Bài viết là những ghi chép của tác giả về lịch sử của những cây chè lâu năm cùng kỹ thuật canh tác của người xưa tại vùng Tân Cương. Đồng hành cùng đó, câu chuyện bảo tồn những di sản tự nhiên luôn là bài toán đau đáu trong lòng những người làm nghề có tâm, và là cả nỗi nuối tiếc của những người yêu mến cây trà.
Chè Thái (Trà Thái Nguyên) trở thành một thương hiệu nổi tiếng nhất nước với hương vị chè đặc trưng có một không hai. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cả vùng đất Thái Nguyên rộng lớn, chỉ có chè ở Tân Cương là ngon nhất. Nhưng ngay cả ở Tân Cương, cũng chỉ có chè (trà) ở xóm Guộc và xóm Nam Sơn là chè bản địa được trồng trên vùng đất cổ xưa, nơi có những cây chè đầu tiên được di thực về.
Vùng đất Tân Cương (xã Tân Cương) cách TP. Thái Nguyên chừng 20km, được mệnh danh là cái nôi của đất chè Thái. Chè ở Tân Cương khác hẳn chè được trồng ở Đồng Hỷ hay Trại Cài – vùng chè cũng thuộc Thái Nguyên, chỉ cách Tân Cương vài chục kilômét – bởi chỉ có trà Tân Cương mới có hương vị tự nhiên, màu nước xanh vàng, vị chát dịu, vị ngọt còn lắng sâu trong vị giác người thưởng trà. Tương truyền trà Tân Cương khi được pha với nước giếng khơi ở đồi Tân Cương sẽ tạo nên vị trà độc đáo, “có một không hai” làm say lòng cả những vị khách thưởng trà kỹ tính nhất.
Xưa kia, chè Tân Cương chỉ vẻn vẹn có ở địa phận xóm Guộc, xóm Nam Sơn, xóm Soi Vàng và một phần xóm nhỏ bên kia bờ sông Công – chứ không vươn rộng ra cả vùng Phúc Xuân, Phúc Trìu… như ngày nay. Những cây chè Tân Cương đầu tiên xuất hiện ở đây, chính là do ông Đội Năm di thực về từ những năm 1915 – 1920. Ông Đội Năm tên thật là Võ Văn Thiệt (Có tài liệu ghi tên ông: Vũ Văn Hiệt), cũng chính là người đã làm nên thương hiệu chè Tân Cương, Thái Nguyên.
Ông Phạm Xuân Hợi (trưởng xóm Nam Sơn, xã Tân Cương) cho hay, toàn bộ vùng chè xưa nằm trên địa phận xóm Guộc, xóm Nam Sơn, xóm Soi Vàng và một phần xóm nhỏ bên kia bờ sông Công đều thuộc sở hữu của ông Đội Năm. Tất cả người dân Tân Cương thuở trước đều làm thuê cho đồn điền chè của ông Năm.
Cụ Nguyễn Văn Mậu, năm nay 96 tuổi, trước đây từng làm thuê cho đồn điền của ông Đội Năm, là vị bô lão già nhất vùng chè cổ bây giờ kể: “Xưa kia, nơi đây là những đồi chè bạt ngàn đều thuộc sở hữu của ông Đội Năm, bên kia sông là rừng già rậm rạp có những cây cổ thụ mấy người ôm không xuể. Ngày ấy, gia đình nào cũng làm chè thuê cho ông Đội Năm. Những vườn chè ngày xưa cây cao tới vai hoặc ngang đầu người, tán rộng lắm chứ không lùn tịt như chè bây giờ”.
Vườn chè cổ bây giờ đã ngót nghét 100 năm tuổi. Những tán chè tỏa rộng xung quanh, gốc chè xù xì, to lớn, trông khác biệt hẳn so với những dãy chè mới vài ba chục năm. Ông Phạm Xuân Hợi kể: “Ông cụ thân sinh ra tôi di cư lên Tân Cương từ những năm 40 thế kỷ trước. Ngày trước, bố tôi kể khi lên đã thấy những gốc chè to lớn, có những gốc lớn to như thân người. Mà giống chè lạ lắm, thân gốc của nó không to nhanh như những loài cây khác mà gốc của nó cũng chỉ độ hơn chục cen-ti-mét là cùng. Những cành, nhánh của nó cũng bé lắm. Nhìn vào thì không ai nghĩ là cây đã mấy chục năm. Vì thế, dù là chè cổ ngót nghét 100 năm nhưng nếu không rành về chè thì người ta khó mà tưởng tượng nó lại lâu năm đến thế”. Quả nhiên, sau khi luồn lách qua vài vạt đồi cỏ mọc um tùm thì vườn chè xưa hiện ra trước mắt trông thật bình dị. Vườn chè xưa chỉ khác biệt hẳn so với những đồi chè có tuổi đời vài chục năm ở chỗ, chúng cao vượt hẳn lên đến vai người, chứ không thấp lè tè lưng chừng gối như đồi chè ngày nay. Những cành lá cũng xù xì, thô ráp và cũ kỹ hơn hẳn những dãy chè ít tuổi bên cạnh.
Những cây chè cổ được di thực đầu tiên về Tân Cương từ 100 năm trước, bây giờ chỉ còn chừng vài trăm gốc nằm rải rác trên diện tích hơn 2 ha ở xóm Guộc và xóm Nam Sơn. Còn những vườn chè cổ xưa ở xóm Soi Vàng hay phía bên kia bờ sông Công đã bị thay thế bằng những dãy chè non san sát nhau. Xưa kia, toàn bộ vùng Guộc, Nam Sơn là vùng đất bãi soi (bãi đất được bồi đắp bởi phù sa, đá sỏi) của sông Công, vừa có chất đất phì nhiêu của phù sa, vừa có lớp đá sỏi sông nằm sâu 3-4m dưới lòng đất nên rất thích hợp với cây chè.
Vườn chè cổ còn hiện hữu đến ngày nay tuy cằn cỗi và xơ xác hơn hẳn những đồi chè mới bên cạnh nhưng ở đó vẫn còn in đậm dấu tích của lối trồng chè cổ. Ông Phạm Xuân Hợi cho hay: “Xưa kia, người ta trồng chè theo lối vuông mắt sàng, mỗi cây ở trong một ô rộng, cách nhau từ 2,5m đến 3m. Do có khoảng cách xa giữa hai cây rất rộng nên có thể dùng trâu để cày bừa ngang dọc đất xung quanh được. Kỹ thuật trồng này khác hẳn với kiểu trồng thành dãy, xen dày đặc như bây giờ nên mặc dù không dùng hóa chất, phân đạm mà ngọn chè ngày xưa vẫn cho búp to, mập như ngọn rau muống”.
Khoảng cách mỗi cây cách nhau tới 3m nên cây chè cổ rất nhanh phát triển, tán rộng, nhiều búp đến nỗi mỗi buổi sáng, những người hái chè thuê kỳ cựu cũng chỉ hái xong vài cây. Hàng năm, người ta phải xén ngọn, giữ cho cây chỉ cao lưng chừng vai người thì mới hái được búp chè. Chè Tân Cương bản địa có đặc trưng gốc to, tán rộng tới 3m, thân cây không cao như chè cổ thụ trên núi mà cũng không thấp như chè ngày nay. Vườn chè cổ ở Tân Cương bao giờ cũng được giữ ở độ cao ngang vai hoặc chớm đầu người.
Bãi chè cổ xưa kia được ông Đội Năm chọn đúng vị trí đắc địa để trồng, ấy là nơi bãi sỏi phì nhiêu chỉ cách dòng sông Công huyền thoại chừng 200m. Ông Phạm Xuân Hợi kể rằng khi ông cụ thân sinh Phạm Đức Rẫn còn sống vẫn thường kể cho con cháu nghe về những gốc chè to có đường kính tới nửa mét, tán lá tỏa rộng ra tới hơn 3m, ngọn chè to mập và xanh mướt. “Nhưng qua năm tháng, chiến tranh, những gốc chè cổ thụ to nhất đã bị đổ, mục ruỗng. Bây giờ chỉ còn lại rất ít ở xóm Guộc và xóm Nam Sơn”, ông Hợi kể.
Diện tích vườn chè cổ bây giờ vẫn thuộc hợp tác xã Tân Cương, đang được giao cho một số hộ dân chăm bón và khai thác. Nhưng có lẽ vì lý do kinh tế nên bây giờ vườn chè quí đã bị xâm lấn nghiêm trọng. Xen lẫn vào giữa những ô vuông mắt sàng xưa kia là những cây keo, những bụi cây dại um tùm. Những cây chè già nua không người chăm bón ngày càng trở nên xác xơ, cằn cỗi. Lối trồng cách kiểu ô vuông mắt sàng ngày xưa với mục đích cho cây có đất lớn, có đủ chất dinh dưỡng cho búp chè thì khoảng trống quý báu đó bây giờ ngập trong rừng cây keo.
Những gốc chè vốn đã bị bỏ hoang, không người chăm bón nay lại càng thêm cằn cỗi bởi sự cạnh tranh dinh dưỡng từ rừng keo đang ngày càng vươn cao mạnh mẽ. Những gốc chè bị bao phủ bởi cỏ hoang và lá rụng. Ông trưởng xóm Phạm Xuân Hợi phải dùng loại dao to, dài vốn để đi rừng, phạt liên tiếp những cành cỏ dại xung quanh một lúc thì gốc chè quí mới hiện ra. Khác hẳn với tán chè phía trên xơ xác, cằn cỗi, những gốc chè này vẫn sum sê những cành đan vào nhau tươi tốt. Mang trong mình nỗi đau đáu với việc bảo tồn vườn chè cổ như một di sản quý, ông trưởng xóm đã nhiều lần đề nghị với các cơ. Nhưng sau bao lần đề nghị, qua bao cuộc họp về vấn đề này, cho đến nay vườn chè quí vẫn tan tác, xơ xác giữa rừng keo. Có lẽ với sự thờ ơ của chính quyền, của các cơ quan chức năng thì có lẽ sẽ không lâu nữa, vườn chè quý ở Tân Cương sẽ biến mất vĩnh viễn.
Ở Thái Nguyên, không chỉ có vườn chè cổ Tân Cương, mà mới đây người ta đã phát hiện ra 10 cây chè cổ cao 20m tại dãy núi Hồng thuộc địa phận thôn Lưu Quang, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ. Một số cây có đường kính gần 1m và chiều cao hơn 20m. Sau khi hái thử một số búp để thưởng thức, vị chè cổ có hương thơm như giống chè Bát Tiên. Các cây chè cổ này sinh trưởng ở khu vực rừng già ở độ cao hơn 850 m so với mực nước biển. Do khu vực rừng Lưu Quang cách xa khu dân cư, đi lại khó khăn, ít người dân qua lại nên các cây chè cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Việc phát hiện các cây chè cổ ở khu vực này có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu về nguồn gốc cây chè ở Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Ngoài ra các cây chè cổ còn có ý nghĩa trong việc lưu giữ, bảo tồn nguồn gene nhằm phát triển giống chè đặc sản ở địa phương.
“Vườn chè quý Tân Cương trước nguy cơ biến mất”, Lã Xưa. Đăng trong bac.do ngày 16 tháng 7 năm 2012. Vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý từ tác giả.