Văn hóa- 09/10/2022 - 12 phút đọc

Uống trà mạn hảo xem nôm Thúy Kiều

Tôi có một anh bạn mê uống rượu trước là nghiện sau thành nát. Hỏi anh ta vào cái hồi anh chưa nát, rằng anh thích uống rượu gì và uống gì thì ngon, anh ta đáp uống gì cũng được, miễn là rượu có chất cồn. tôi thấy lạ, cứ nhớ mãi.

Đến bây giờ, sống đã nữa đời, lăn lóc uống trà đủ kiểu, tôi thấy người bạn tôi nói phải.
Tôi thấy tôi giờ uống trà gì cũng được, miễn là nước trà có vị chát.
Uống trà, rất thường khi, ta cũng chỉ cần đó là trà mà thôi.
Không cần phân biệt trà hảo hạng hay đê hạ.
Không phân biệt đó là trà Long Tỉnh thuộc loại tiến cung hay trà hạ cấp pha lấy đặc làm đầu.
Và cũng không phân biệt đó là cốc trà tinh khiết uống nơi lầu cao có tiếng cổ tranh khoan nhặt hay là chén trà thấp kém uống trên chiếu nát bên hè phố cạnh rãnh nước bẩn với mùi hôi hám còn lại của những phản thịt chợ chiều.
Uống trà, nhiều khi, chỉ là cái nỗi niềm muốn uống thứ không phải là nước lã.

 

Ảnh: Oriento, Unspash

Ảnh: Oriento, Unspash

Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà mạn hảo xem nôm Thúy Kiều

Tuy nhiên, đó chỉ là phía kẻ uống. còn phẩm trà thì dĩ nhiên không thế.

Thời nay, hẳn là thói uống trà đã chẳng còn ra làm sao. Suy vi, có lẽ. Nếu như tiền nhân xứ này đã từng uống như như Tùng Niên tiên sinh viết trong “Vũ Trung Tùy Bút”, thì cái sự uống trà Tàu ở Việt Nam cũng từng nhiêu khê đến độ, hay như cái thời Tàu Tây nhập nhoạng mà dựa vào những gì ông Nguyễn Tuân tả quanh chén trà trong “Vang Bóng Một Thời” chắc cũng có nhiều manh mối, thì bây giờ, giữa cái chốn cứ coi làm Tràng An này, chỉ một chỗ đứng ngồi có chén trà Long Tỉnh hạng tầm tầm e cũng không thể nào kiếm nổi.

Đây là nói về trà Tàu thượng phẩm. Về thức trà. Và về những cái miệng uống tương xứng.

Tuyệt chẳng có ý trách móc. Rường cột còn chẳng có, đằng lạc vẫn mịt mờ, kể chi đến thứ thức uống.
Song, về trà bình dân, hạng trà đầy tớ, thì có thể chẳng cần than phiền gì. Chén trà kia, người uống kìa, thời bao giờ chẳng vậy.

Như một thức uống, thì cái gọi là trà Việt nam, thực tế, là một thứ nước uống bình dân đại chúng và thành công lắm. Từ nơi quê mùa đến chốn thị thành, từ nơi nếp nhà nát đến biệt thự kiểu Tây, từ chỗ công đường cửa quan cho đến chỗ đầu đường xó chợ đâu đâu cũng có mặt. và chỗ nào người ta cũng uống nó. Không mấy phân biệt.

Mới đây có nhiều người nhiễu sự, cũng bày đặt triết lý này nọ cho hội trà Việt nam. Khốn nỗi, về lịch sử thì thư tịch chẳng có, về phẩm vật thì giống mà chẳng nhiều chẳng quý, về sản xuất thì trình độ mông muội, thô thiển, về sử dụng thì lề thói đơn giản hạn hẹp; về chất lượng thì kém cỏi, đáng ngờ; thành thử có muốn làm gì cũng không được; muốn nói gì cũng không có thực chất, chỉ hàm hồ kia kìa đó nọ mà thôi.

Như kẻ bình dân dẫu có muốn ăn bận lụa là đến mấy cũng chẳng được.
Nhưng, nếu biết mình biết người, vui với gốc quê, thời tự nhiên lại thấy có phong vị.

 

Ảnh: Oriento, Unsplash

Ảnh: Oriento, Unsplash

Dạo trước, tôi cũng thỉnh thoảng ghé qua uống ở một quán trà ven hồ Tây. Chủ nhân, một người cũng muốn làm trà nô, không kể những thứ trà hoa đáng ngờ và kém cỏi của ông ta, đã sưu tập được khá nhiều chủng loại trà dân tộc ở miền núi phía bắc việt nam. Uống cũng có phong vị đặt sắc riêng. Những loại trà như Tà Xùa, Suối Giàng, Thượng Sơn, Lũng Phìn… Uống tuần trà đầu thì nặng nè, mệt nhọc, nhưng từ tuần sau trở đi, lại thấy ngọt ngào, dễ chịu. Người ấy, xét cho kỹ, thật cũng có công khám phá.

Trà Việt Nam, cốt tủy của nó là nặng vị, vô hương. Uống người ta ai nấy đều khen vị ngọt, ngọt giọng, uống xong vẫn thấy ngọt mãi (hậu vị lâu – y như quảng cáo rượu vậy) chứ không mấy khi bảo trà thơm cả, trừ trà hoa. Tất cả các loại trà Việt nam đều chát, nặng, khó uống. Buổi sớm mai, rót một chén trà pha đậm, khi chưa lót dạ, nhiều lúc như đấm vào họng. giá kể ai uống trà Tàu quen, khi nếm một chén trà Việt nam, chẳng khác nào đang ở lâu son gác tía trong phủ cùng Lâm Đại Ngọc với Giả Bảo Ngọc thì đùng một cái ra đường đụng phải một ả nhà quê chất phác, chẳng biết gì là kiểu cách, lễ nghĩa. Nó thô, nó ráp, nó chát chúa, nhưng dùng nó mãi thì cũng thấy nó cũng có duyên, không thơm nức lên nhưng được cái đậm đà, đằm thắm; lâu thành quen, thấy được.

 

Ảnh: Pfudery, Pixabay

Ảnh: Pfudery, Pixabay

 

Nói như thế, cũng không có ý chê bôi là kèm. Tôi nghĩ rằng nếu có điều kiện đi uống nhiều, lang thang nhiều, chắc tôi sẽ yêu trà Việt nam lắm, vì để yêu nó, cũng chẳng thiếu gì lý do. Vì trà không hẳn chỉ là trà. Những thức như trà cổ thụ cây to như xoan ở Lũng Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang… Hay các thức trà mà người Tày, người Mông tự sao tẩm lấy rồi mang xuống chợ bán… Nhấp trong miệng vẫn thấy lẩn khuất có mùi khói bếp rất mộc mạc…Trà ấy, dẫu uống một lần, vẫn thấy nhớ mãi.

Cũng chẳng dễ quên, cái món “chè chén” vỉa hè ở Hà Nội, kinh kỳ đấy. Đâu đâu mà chẳng có quán nước chè ở các gốc phố, dưới bóng cây? Trong lòng kẻ uống trà nào lại không có sẳn vài cái quán cóc quen thuộc, nhỏ bé, khiêm nhường giữa trưa hè im ắng, hay cuối chiều đông ảm đạm?

Chè chén vỉa hè gắn liền với cái quán nước. Đối với rất nhiều người hiện nay, quán nước không phải chỉ đơn giản là cái nơi ghé vào chiều một hớp nước trà. Đó là nơi người ta gặp gỡ, hỉ hả, xì xào, bàn tán, là chốn xe ôm đợi khách, kẻ rồi nghề giết thời gian… Đó là nơi có một núi chuyện, nơi gìn giữ cả một lối sinh hoạt rất đặt trưng của người Hà Nội dở quê dở tỉnh; là hạt nhân của cái văn hóa vỉa hè; là một cuộc sống khác, thực hơn, bớt giả dối hơn trong cái đô thị hãy còn bé mà đã công chức hóa, tầm thường hóa khó tả. cái quán nước, mà cốt lõi là chén trà, là đối cực, cũng là niềm an ủi.

Những thức như trà cổ thụ cây to như xoan ở Lũng Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang… Hay các thức trà mà người Tày, người Mông tự sao tẩm lấy rồi mang xuống chợ bán… Nhấp trong miệng vẫn thấy lẩn khuất có mùi khói bếp rất mộc mạc…Trà ấy, dẫu uống một lần, vẫn thấy nhớ mãi

Ảnh: Uyên Viên, The Saigon Times

Ảnh: Uyên Viên, The Saigon Times

 

Mới đây, vì trà sự, bạn Trần Quang Đức đã bỏ công biên dịch bản Trà Kinh của Lục Vũ đời Đường, ông Thánh trà Trung Hoa, lại truy tầm thư tịch, chú thích đầy đủ. So với bản dịch sang anh ngữ mới thấy bản dịch địch đáng của bạn Đức lại càng quý hóa. Trà Kinh là tài liệu quý để ta hiểu biết thêm về tục uống trà của tiên nhân. Sau đời Đường, việc uống trà đã có sự thay đổi đáng kể, bạn Đức lại tiếp tục công việc biên dịch Tục Trà Kinh của Lục Đình Xán đời Thanh, là tác phẩm cập thời đáng kể nhất sau Trà Kinh, tất cả với mục đích là giới thiệu cho bạn yêu trà Việt Nam những kinh điển về trà. Xuất bản cùng tập Trà Kinh này, còn có tiểu luận công phu về trà của giáo sư Francis Ross Carpenter do bạn Phan Luân biên dịch. Đối với những người chuộng trà, công lao ấy của bạn Trần Quang Đức, bạn Phan Luân thật không nhỏ.

Kia là quán nước trà. Ngồi đó là kẻ uống trà. Trong buổi sớm mai, chén trà có gì đó khiến lòng hắn cảm động. Lòng hắn bơ phờ, mệt mỏi. Cũng chén trà ấy, đêm qua, giờ Tý, nó là chén trà chạy công an; giờ, nó là chén trà tinh khôi của ngày.

Trong đầu hắn, suy nghĩ đầy tràn, trong miệng hắn, vị trà sực nức.

“Mấy lời về Trà”, Trác Phong. Đăng trên bac.do ngày 16/01/2012. Xin vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý của tác giả

Duy Tung Vu
09/10/2022 - 10:27