Văn hóa- 03/03/2023 - 14 phút đọc

Trà trong thơ Nguyễn Trãi

 

Nguyễn Trãi – Danh nhân văn hóa Thế giới Ở Việt Nam, trà hiện diện trong văn học dân gian thông qua ca dao, hò vè, câu đối, tục ngữ truyền khẩu và văn chương với những bài thơ kiệt tác của các nhà văn lừng danh xư a và nay. Tập quán uống trà thời xưa của danh nhân, luôn biểu lộ một nhân sinh quan, một nếp nghĩ, một nghệ thuật sống, một cái nhìn bao quát về cuộc đời trong một chén trà.

Tâm hồn thi nhân Việt Nam luôn cởi mở, hài hoà, trong tinh thần nhân ái, cảm thông chia sẻ là nét đặc trưng của đạo đức truyền thống Việt Nam. Ngoài việc thưởng thức cái đẹp bình yên trong cuộc sống, để được thanh nhàn trước thế sự trần tục mênh mông bể khổ, uống trà còn biểu hiện một sự ẩn mình trong đáy lòng để nhìn lại sự đời đầy trắc ẩn khôn lường.

Tuy nhiên, trên cái nền chung của truyền thống dân tộc, mỗi tác phẩm thơ ca ra đời trong mỗi thời đại lịch sử – xã hội khác nhau, mang tự sự, nỗi niềm và ý chí riêng thể hiện trong các danh nhân Việt Nam. (Nguyễn Bá Hoàn, Trà luận, NXB Tp Hồ Chí Minh, 2003).

NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442) – Mai Quốc Liên, Trung Tâm nghiên cứu Quốc học và NXB Văn Học, 1999.

Tên hiệu là Ức Trai con của Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại Trần Nguyên Đán, chính quan ở làng Chi Ngãi, huyện Phượng Sơn, nay là huyện Chí Linh, Hải Dương. Gia đình Nguyễn Trãi đã nhiều đời lập nghiệp ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, nay là xóm Nhị Khê, xã Quốc Tấn, huyện Thường Tín, Hà Đông, nơi sinh ra Nguyễn Trãi.

Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh năm đầu Nhà Hồ (1400) đồng khoa với Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên. 7 năm sau khi đất nước Việt Nam bị Nhà Minh xâm lược; cha ông bị bắt và đi đầy sang Trung Quốc. Ông làm quan đời Nhà Hồ, sau đó giúp Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, làm quân sư vạch kế hoạch cho Lê Lợi về quân sự, chính trị, ngoại giao. Ông phối hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đánh đuổi quân xâm lược Minh ra khỏi đất nước, giành lại độc lập và hoà bình cho nhân dân ta.

Sau chiến thắng, ông thảo ra bản Bình Ngô đại cáo, tuyên bố cuộc đấu tranh chính nghĩa đã thắng lợi. Đây là một thiên anh hùng ca tuyệt vời, một bức tranh thiên tài, sinh động và trung thực về hình ảnh của một dân tộc anh hùng đang vươn lên, quyết tâm vượt một chặng đường gian nan nguy hiểm và sáng tạo ra một trong những trang vẻ vang nhất của lịch sử nước nhà. Tác phẩm này còn là một bản tổng kết khái quát, về phương diện lịch sử và con người, những phẩm chất cao quý của dân tộc đã được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến, nêu cao ý chí độc lập, tự do, truyền thống quật cường bất khuất và tinh thần nhân đạo của nhân dân ta. Bình Ngô đại cáo được ghi vào lịch sử như là Bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc ta. (Phác thảo chân dung văn hoá Việt Nam, NXB chính trị quốc gia, 2001).

Ông được ban quốc tính họ Lê, làm thượng thư Bộ Lại, thành viên Hội đồng Cơ mật, tích cực tham gia công cuộc tu bổ, xây dựng pháp luật, chế độ chính trị thời Lê sơ. Ông đã viết Dư địa chí của đất nước.

Tính cương trực, vì bị bọn quyền thần Lê Sát ghen ghét, nên ông xin rút về trí sỹ ở Côn Sơn, Hải Dương. Năm 1434, Thái Tông lại vời ông ra giúp nước, năm 1442 Thái Tông mất, bị triều đình đổ tội giết vua, khép tội tru di tam tộc. Năm 1464, Lê Thánh Tông thấu nỗi oan của ông, truy phong Tế văn hầu, và tìm con cháu ông bổ dụng.

Nguyễn Trãi là một anh hùng dân tộc, một nhà hoạt động chính trị xuất sắc và một nhà đại văn hào thời Lê Sơ. Ông là nhà văn hoá lớn nhất thời xa của Việt Nam. Là kết tinh của nền văn minh Thăng Long – Lý Trần đồng thời cũng là nhà văn hoá của nền văn minh – văn hoá Việt Nam từ thời các vua Hùng. Tất cả tinh hoa của nền văn hoá dân gian, phong tục tập quán, tục ngữ ca dao, tình làng nghĩa nước, lý tưởng nhân nghĩa nho gia, lòng từ bi siêu thoát của nhà Phật, lẽ tự nhiên nhiệm màu biện chứng của Lão – Trang đều được tiếp nhận, biến hoá trong Nguyễn Trãi.

Ông để lại nhiều tác phẩm như Quân trung từ mệnh tập viết cho binh sỹ, Lam sơn thực lục viết về khởi nghĩa Lam Sơn, Quốc âm thi tập gồm thơ chữ nôm, Ức trai thi tập …

Năm 1960 ông được Unesco thế giới phong tặng Nhà danh nhân văn hoá thế giới.

Ngôn chí
(Ức Trai thi tập)

Thương Chu bạn cũ các chưa đôi,
Sá lánh thân nhàn thuở việc rồi.
Gội tục chè thường pha nước tuyết,
Tìm thanh trong vắt tịn trà mai.
Chim kêu hoa nở ngày xuân tĩnh,
Hương lụn cờ tàn tiệc khách thôi.
Bui có một niềm chăng nỡ trễ,
Ðạo làm con liễn đạo làm tôi.

Lểu thểu chưa nên tiết trượng phu,
Miễn là phỏng dáng đạo tiên nho.
Chà mai đêm nguyệt dậy xem bóng,
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu.
Dưới công danh đeo khổ nhục,
Trong dại dột có phong lưu.
Mấy người ngày nọ thi đỗ,
Lá ngô đồng thuở mạt thu.

Cần tìm hiểu chè mai là chè gì ?
Theo một vài nhà bình chú là gỗ hồng mai, như vậy không phải là chè, hay là chè ướp hồng mai, một thực vật có mùi hương thơm. Hay mai chỉ là một hình tượng ước lệ như tùng, cúc, trúc, mai, chỉ người quân tử trong thơ ca Đường luật thời xưa.

Quét tuyết đun trà, trước trúc hiên, nhưng Côn Sơn là vùng đồi núi thấp vài trăm mét, ở vĩ độ Chí Linh – Hải Dương, như vậy làm gì có tuyết rơi, trừ đỉnh núi Fansipan hay Mẫu Sơn hoạ hoằn mới có những năm nhiệt độ thấp đặc biệt. Hay đây chỉ là một hình tượng ước lệ thơ ca, nói lên nước suối, nước khe tinh khiết mà không phải nước ao tù hay nước sông đục ?

Theo tiến trình lịch sử Nguyễn Trãi (1380 – 1442) ở vào thời kỷ Hậu Lê, thế kỷ thứ XV, ứng với Đời Nhà Minh (1369 – 1649) đã chuyển từ trà bột quấy nước nóng sang vò lá chè thành sợi rời, chế biến ra các loại trà đen, xanh, ô long, vàng, trắng, hắc, ướp hoa. Thời kỳ này Trung Hoa là nước độc quyền xuất khẩu chè ra thế giới; như vậy loại trà mà danh nhân Việt Nam uống có nhiều khả năng là trà xanh sợi rời Đời Nhà Minh – Thanh.

Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác

Nhất biệt gia sơn kháp thập niên,
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên.
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ,
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên.
Hương lí tài qua như mộng đáo,
Can qua vị tức hạnh thân tuyền (toàn).
Hà thời kết ốc vân phong hạ,
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.

(Dịch nghĩa)
Từ giã quê hương vừa đúng mười năm
Nay trở về, tùng cúc một nửa đã tiêu sơ
Đã hẹn với rừng suối mà sao nỡ phụ
Trong cát bụi cúi đầu tự thương mình
Vừa qua làng, tưởng như chiêm bao
Chiến tranh chưa dứt, may được toàn thân
Bao giờ được làm nhà dưới núi mây
Múc nước suối nấu trà, gối lên đá mà ngủ.

Bảo kính cảnh giới

Một vườn hoa trúc bốn bề thâu,
Lánh thân nhàn được thú mầu.
Dưới tạc nên ao chín khúc,
Trong nuôi được cá nghìn đầu,
Cuộc lần cờ thấp tan ngày diễn,
Bếp thắng chè thô cởi thuở âu.
Bốn bể nhẫn còn mong đuốc đốt,
Dầu về dầu ở mặc ta dầu.

Ngẫu thành (I)

Hỉ đắc thân nhàn quan hựu lãnh,
Bế môn tận nhật thiểu tương qua.
Mãn đường vân khí triêu phần bách,
Nhiễu chẩm tùng thanh dạ thược trà.
Tu kỉ đãn tri vi thiện lạc,
Trí thân vị tất độc thư đa.
Bình sinh vu khoát chân ngô bệnh,
Vô thuật năng y lão cánh gia.

(Dịch nghĩa)
Mừng được nhàn thân, chức quan rảnh rỗi
Trọn ngày đóng cửa, ít qua lại với ai
Hơi bốc đầy nhà vì xông gỗ bách buổi sáng
Tiếng reo của cây tùng làm rộn gối ngủ, đêm pha trà uống
Sửa mình chỉ biết làm điều thiện là vui
Lập thân chưa hẳn cần đọc nhiều sách
Bình sinh vu khoát quả là bệnh của ta
Vô phương chữa được mà lại thêm nặng theo tuổi già.

Mạn hứng (I) kỳ 1

Thế lộ sa đà tuyết thượng điên,
Nhất sinh lạc thác cánh kham liên.
Nhi tôn chủng phúc lưu tâm địa,
Ngư điểu vong tình lạc tính thiên.
Tảo tuyết chử trà hiên trúc hạ,
Phần hương đối án các mai biên.
Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng,
Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền.

Lúc này Nguyễn Trãi đã rút lui khỏi quan trường, về Côn Sơn sống đời ẩn dật giữa núi non, sông nước, vui với thú điền viên cây cỏ, chim ca vượn hót. Qua những câu thơ trên, Nguyễn Trãi đã xem trà như :
– Một công cụ giao tiếp ứng xử xã hội, trong đưa đón tiễn khách bằng mời trà, tặng trà, để giao lưu tình cảm bè bạn, vừa uống trà vừa gẩy đàn;
– Một giá trị thẩm mỹ và thư giãn, thú vui uống trà “độc ẩm” làm phong phú thêm đời sống tâm hồn con người trần tục. Trà đã trút hết phiền muộn, bận rộn của cuộc sống quan trường. Ông vui với gió trăng, mây trắng, tre trúc, thông reo, chim hót, ngủ khì đầu gối vào đá, quên hết cả thời gian, tận hưởng thú vui hoà quyện tâm hồn với thiên nhiên, như thuyết Đạo Lão thần tiên của Trung Hoa cổ đại.

Đỗ Ngọc Quỹ

Do các bản :
– Ngôn chí
– Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác
– Bảo kính cảnh giới
– Ngẫu thành (I)
– Mạn hứng (I) kỳ 1
mà tác giả đã dẫn trong bài gốc có phần sai khác so với các nguồn than khảo uy tín khác, và mặt âm điệu cũng có sự lủng củng, thế nên chúng tôi đã thay thế bằng các bản được in trong Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976

Lê Ngọc Linh
03/03/2023 - 9:13