Các quán trà ngọt nằm rải rác khắp mọi ngóc ngách ở Lhasa. Từ xung quanh chùa Jokhang đến các con hẻm nhỏ không biết tên, bạn có thể tìm thấy các quán trà ngọt ở khắp nơi, hơn nữa người ra vào uống trà nườm nượp.
Có một câu chuyện tình yêu dân gian kể về nguồn gốc của loại trà mà người dân Tây Tạng yêu thích này: Truyền thuyết kể rằng, trong khu vực Tây Tạng có hai bộ lạc, bởi vì tranh chấp mà thù hận lẫn nhau. Thế nhưng con gái của tộc trưởng bộ lạc Hạt (辖) – Mỹ Mai Thố – lại đem lòng yêu con trai tộc trưởng của bộ lạc Nộ (怒) – Văn Đột Ba. Vì thế tộc trưởng bộ lạc Hạt đã sai người giết chết Văn Đột Ba, trong nghi lễ hỏa táng Văn Đột Ba, Mỹ Mai Thố đã gieo mình vào biển lửa. Sau khi hai người chết, Mỹ Mai Thố trở thành lá trà trên cây trà trong đất liền còn Văn Đột Ba thì biến thành hạt muối trong hồ muối nơi cao nguyên Khương Đường (một bộ phận của cao nguyên Thanh Tạng), mỗi khi người Tạng pha trà bơ thì trà và muối lại được gặp nhau. Câu chuyện này có sức hấp dẫn nghệ thuật mạnh mẽ và được truyền tụng đến tận ngày hôm nay.
1. Trà bơ được làm như bằng cách nào?
Bơ thường được làm ra theo phương pháp truyền thống này: Đầu tiên, làm nóng sữa bò hoặc cừu, cho vào một thùng gỗ lớn đặc biệt (loại thùng này cao khoảng 1,3m, đường kính tầm 0.3m, chuyên dùng để tinh luyện bơ). Sau đó dùng công cụ chuyên dụng để đánh sữa, đánh đi đánh lại hàng trăm lần cho đến khi mỡ tách ra khỏi sữa và nổi lên thành một lớp màu vàng vàng. Lúc này, lớp mỡ được vớt lên, đổ vào túi da và làm lạnh để thành bơ.
Bơ Bò Tây Tạng được làm thủ công tại Tây Tạng
Ngày nay, máy tách kem đang dần được sử dụng rộng rãi để thay thế cho phương pháp thủ công. Thông thường, 100 cân sữa có thể làm ra được 5,6 cân bơ. Bơ là một món chính của người dân Tây Tạng, một ngày ba bữa, không thể thiếu. Khi làm bánh tsampa, “đánh” trà bơ hay xào mì đều không thể thiếu bơ.
Khi pha trà bơ, đầu tiên họ đun lá trà hoặc bánh trà trong nước nóng, sau đó đổ nước trà vào xô chuyên dùng để đựng trà bơ rồi cho bơ và muối vào,dùng que khuấy khuấy mạnh cho đến khi trà và bơ hòa tan vào nhau, cho vào trong nồi đun nóng, thế là một bình trà bơ thơm ngon đã “ra lò” rồi đấy~ Còn có một cách pha trà bơ khác là cho bơ và trà vào một cái túi da, cột chặt miệng túi rồi dùng que gỗ đánh thật mạnh. Vì thế, giai đoạn pha trà bơ còn được gọi là “đánh” trà. Đây là một công việc rất tốn công sức của nữ chủ nhà mỗi khi có khách đến thăm, nhưng giờ đây việc pha trà đã trở nên nhẹ nhàng hơn khi xuất hiện các máy trộn bằng điện.
2. Công dụng của trà bơ
Trà có tác dụng giải khát, làm tinh thần tỉnh táo, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, chống lão hóa, chống ung thư,…Các chất thơm trong trà còn có thể hòa tan chất béo và hỗ trợ tiêu hóa. Đặc biệt là người Tây Tạng sống ở các khu vực cao trên cao nguyên Tây Tạng, nơi đây thiếu rau tươi và trái cây, thực phẩm chủ yếu là thịt bò hay thịt cừu. Do đó, họ cần trà để duy trì sự cân bằng nước và giúp cho quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường, hơn nữa trà còn có thể bổ sung vitamin.
Thịt bò và cừu là loại thực phẩm có tính axit, sau khi tiêu hóa sẽ làm cho máu trong cơ thể có tính axit dẫn đến việc tăng axit dạ dày, táo bón, mệt mỏi,…Trong trà chứa nhiều hydroxide, giúp duy trì sự cân bằng của axit và bazo trong cơ thể con người. Bơ chứa một lượng nhiệt lượng lớn giúp con người chống chọi được với cái lạnh nơi cao nguyên. Vì thế, người Tây Tạng đem trà cùng bơ pha chung với nhau như một phương pháp để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe.
3. Cách thưởng thức trà bơ
Có nhiều cách để thưởng thức bơ, chủ yếu là đem đi pha với trà hoặc là trộn chung với bánh tsampa. Vào dịp lễ tết nếu chiên trái cây cũng cần dùng bơ. Người Tây Tạng có thói quen uống trà bơ vào mỗi ngày.
Các nhà sư uống trà bơ yak trong khi xem múa Chăm tại Tu viện Tashilhunpo – Shigatse, Tây Tạng (ảnh: myteabreakblog).
Do trong trà nén có chứa nhiều axit tannic (loại axit này đóng vai trò giúp cơ thể con người tăng cường khả năng miễn dịch và kháng khuẩn), chúng kích thích dạ dày và hệ tiêu hóa khiến cho tốc độ tiêu hóa tăng nhanh nên nếu bạn uống trà bơ không thì rất dễ đói bụng, cần phải cho thêm bơ hoặc sữa. Người Tạng cũng có một quy tắc khi uống trà, đó là vừa uống vừa châm thêm trà, bạn không nên uống một hơi. Nếu trong nhà có khách thì ly trà của người khách ấy lúc nào cũng đầy. Người Tạng dùng ly trà bơ để bày tỏ lòng hiếu khách của mình, vì thế khi được mời uống trà thì đừng từ chối nhé!