Hướng dẫn- 22/11/2022 - 14 phút đọc

Vùng trà Tân Cương Thái Nguyên: Lịch sử hình thành và phát triển

Trải qua quá trình cả dài cả trăm năm từ khi làng trà được khai sinh đến khi phát triển, Tân Cương đã trở thành một vùng trà lớn và nổi danh toàn quốc với hương vị đặc trưng không nơi nào có được. Cây trà, cùng vì lẽ đó, đã trở thành một phần gắn liền với đời sống người dân nơi đây.

 

Khai sinh làng trà

Theo kể lại, vùng Tân Cương ngày ấy đồi núi mênh mang, hoang vu rậm rạp, đêm đêm nghe tiếng nai tác hổ gầm, rồi chuyện hổ về bắt trâu, bắt lợn xảy ra như cơm bữa. Đây là vùng bán sơn địa, sơn nhiều địa ít, dân khai phá nương rẫy, gieo lúa trồng khoai vất vả, làm nhiều ăn ít, lắm khi mấy tháng liền không thấy hạt gạo, chỉ toàn khoai sắn.

Thấy vậy, ông Nghè Sổ có sáng kiến đem giống trà về trồng để dân có thêm thu nhập. Theo chỉ dẫn và có phần chu cấp của ông Nghè, cụ Vũ Văn Hiệt cùng một số trai tráng và mấy người lính của ông Nghè, lặn lội lên Phú Thọ để xin giống trà. Trong tự truyện của ông Nghè có kể .. lúc đi nhậm chức Giáo thụ tỉnh Yên Bái có qua thăm và nghỉ nhà ông Cử Đoàn ở Phú Thọ, vốn là bạn đồng khoa thi Hương. Vì thế mà ông Nghè biết giá trị của cây trà nên đã cử người Tân Cương tới gặp bạn xin giống. Nhưng cây trà từ Phú Thọ đem về Tân Cương thì khác hẳn, đó là hương vị không nơi nào có được, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và con người Tân Cương đã tạo nên kỳ tích. Năm 1925, Tân Cương đã được thu hoạch lứa đầu và còn gọi tên Bạch Hạc, có lẽ do lấy cây giống từ Bạch Hạc (Phú Thọ).

Đối với Tân Cương, ông Nghè Sổ là Thành hoàng làng, người khai lập xã, cắm hướng đình, ông cũng như vị tổ nghề trà Tân Cương.

Ảnh: Son Hoa Nguyen, Pixabay

 

Người tạo dựng làng trà

Cụ Đội Năm tên thật là Vũ Văn Hiệt sinh năm 1883, mất năm Ất Dậu (1945) quê xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, do giỏi nghề cơ khí nên thực dân Pháp đã tuyển vào làm Đội trưởng nghề đúc khuôn các chi tiết về máy bay nên còn có tên gọi là Đội Năm.

Khi lên vùng Tân Cương sinh sống, nhờ có uy tín nên cụ được bầu làm Tiên chỉ của làng. Từ những cây trà đầu tiên, trải qua thời gian nhiều vườn trà đã mọc lên ở vùng Tân Cương. Năm 1925, cụ Đội Năm mở xưởng chế biến chè, rồi vươn ra tỉnh lỵ Thái Nguyên mở hiệu bán chè, đặt địa chỉ giao dịch tại 3 kỳ trong nước. Năm 1935, cụ Đội Năm đã mang trà đi thi tại Đấu Xảo (Hà Nội) và đoạt giải nhất. Một số thương gia ở Ấn Độ đã nhập hàng chục tấn trà Tân Cương. Từ đó đến nay, nhân dân Tân Cương suy tôn cụ là ông Tổ làng trà Tân Cương.

Cụ là người đầu tiên đưa giống trà từ Phú Thọ về trồng và phát triển thành làng nghề truyền thống ở Thái Nguyên. Xưởng chế biến của cụ thời đó lúc nào cũng có từ 40 đến 50 công nhân thu hái, sao chế. Chè Tân Cương được đóng gói thành phẩm với nhãn hiệu Con Hạc ngon nổi tiếng, vượt ra cả thị trường ở nước ngoài. Cùng với việc khai khẩn đất đai, phát triển nông nghiệp chủ yếu là trồng chè; cụ Đội Năm lập trường mời thầy dạy học cho con em trong xã.

Ảnh: Syahir Hakim, Pixabay

 

Kỹ thuật canh tác và chế biến đầu tiên

Đồi trà của ông Đội Năm trồng dạng ô vuông, tán to bằng cái nong (đường kính khoảng 1.5m) ngang ngực, kỹ thuật chăm sóc đầu tiên là bón khô dầu (1918-1940) của Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp Phú Thọ hồi Pháp thuộc thành lập ngày 21/6/1918.

Quy trình chế biến và thiết bị trà xanh do Kỹ sư người Pháp Goubeaux khảo sát và học tập từ Trung Quốc, Nhật Bản. Tiếp theo Rémond P. và Nguyễn Văn Đàm nghiên cứu ứng dụng triển khai tại Phú Hộ. Quy trình chế biến loại trà xanh sao chảo này chính là My trà của Chiết Giang, Trung Quốc.

Giống trà Trung Du Bắc Bộ, là giống bản địa do Giám đốc Kỹ sư Du Pasquier người Pháp gốc Do Thái, phân loại là Chine macrophylla, varietas Moyen Tonkin, dịch ra tiếng Việt là Trung Quốc lá to Trung Du Bắc Bộ.

Khí hậu, đất đai thổ nhưỡng và nông dân sản xuất trà Thái Nguyên nói chung đã sáng tạo ra trà Tân Cương danh tiếng, dựa theo quy trình trồng trọt và chế biến là của viện trà tại Phú Hộ – Phú Thọ, có tham khảo quy trình sản xuất trà My của tỉnh Chiết Giang, trong vùng trà Hoa Nam của Trung Quốc.

Ảnh: Quang Nguyen, Pixabay

 

Làng trà phát triển

Là vùng đất tươi đẹp, những dãy đồi thoai thoải chảy về hướng mặt trời lặn, dân địa phương gọi tên núi Thằn Lằn. Từ những cánh rừng trên núi, các con suối róc rách men theo chân đồi chảy về tưới mát cả vùng bán sơn địa xanh um. Nơi đây hương trà nhuộm đồng, người dân mê mải làm lụng, nhờ sự khéo léo, thuần thục mà nhiều người được tôn vinh là nghệ nhân.

Mỗi gia đình đều có vườn trà và lò sấy, chủ hộ đóng rất nhiều vai: là nông dân khi chăm sóc trà, là thợ lúc chế biến, và trở thành thương nhân khi bán hàng. Thường thì việc hái trà dành cho những cô gái trẻ, bởi thế, tiếng nói tiếng cười trong vắt vang khắp đồi nương.

Xưa, người Tân Cương bón trà bằng phân bắc (ủ từ phân động vật cùng các loại thân lá cây xanh), thuốc đuổi sâu chế biến từ cây khổ sâm. Trà được hái từ tinh sương đến giữa Ngọ. Dụng cụ đựng trà bằng sọt tre, hái khoảng nửa giờ phải mang vào lán, kẻo phơi nắng lâu dễ bị ôi trà. Khi sao trà, kỵ tạp hương, tạp vị, đặc biệt hương dầu cù là. Hái trà phải đúng cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa”, như vậy sẽ lấy được đúng nguyên liệu cần để sao chế, và tạo điều kiện cho lứa sau phát triển. Sau khi thu hái, trà búp tươi được trải trong bóng râm, rồi chế biến ngay trong ngày theo quy trình truyền thống: Sao héo, vò, sao khô, sao giòn rồi đánh hương, làm liên tục, gọi là sao suốt. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm trà.

Ảnh: Hghnesser, Pixabay

 

Qua bàn tay đảo búp trà cảm nhận độ nóng rồi điều chỉnh lửa thích hợp trong quá trình sao là bí quyết riêng của mỗi nhà để được trà ngon; rồi sàng sảy phân loại trà cám, trà bồm, trà búp; lấy hương… rất công phu. Trước đây sao trà bằng chảo gang và củi, lấy hương bằng chảo đồng cho sản phẩm trà ngon nhất nhưng năng suất chế biến thấp, sao giỏi chỉ được 5kg/ngày. Nay, việc sao vò trà đã có máy móc phụ trợ, rút ngắn thời gian chế biến. Nhưng, dù theo cách nào, trà ngon hay dở đều phụ thuộc vào việc tay nghề cả.

Sự nhạy cảm của các ngón tay mách bảo họ khi nào trà cần tăng nhiệt, khi nào phải rút bớt củi, quá hay không đủ nhiệt đều khiến phẩm cấp trà không toại ý. Nhiều nghệ nhân chỉ cần nghe tiếng cánh trà trong lồng có thể biết trà được hay chưa! Dù họ tận tình hướng dẫn từng động tác nhưng cũng không dễ mà có thể đảo vò trà bằng tay trần trong lò nóng bỏng tới cả trăm độ, chứ chưa nói đến đạt được chất lượng thượng phẩm. Người Tân Cương cha truyền con nối bí quyết cảm nhận qua đôi bàn tay. Trà loại này cánh săn nhỏ và cong như cái móc câu, có mầu “mốc” đặc trưng. Ðể một dúm trà trong lòng bàn tay mà ngửi đã thấy mùi thơm ngầy ngậy; nhai thử vài cánh trà cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt đậm đà; nhả bã lấy ngón tay cái và ngón trỏ bóp, vặn thử thấy nước và bã xanh rờn như trà tươi, đấy là loại tốt. Có thể ướp trà với hoa sói, hoa ngâu, hoa lài, hoa sen… để tạo thêm những hương thơm khác nhau tùy sở thích mỗi người nhưng việc ướp cũng phải tuân thủ những quy định công phu, nếu không có kinh nghiệm sẽ làm giảm hương-vị tự nhiên của trà.

Những người làm trà nơi đây cho biết, trà ngon trong năm là trà thu hoạch vụ Xuân, mùi hương cốm trà Tân Cương không nơi nào có được. Để có được một ký trà Tân Cương thứ thiệt như vậy quả là không dễ chút nào!.

Ảnh: Oriental Teagarden, Pinterest

 

Sự tích trà Tân Cương

Chuyện xưa kể rằng, có đôi trai gái yêu nhau tha thiết, thủy chung, nhưng vì chàng trai quá nghèo nên không được sự chấp thuận của cha mẹ cô gái vốn là một gia đình quan lang giàu có.

Mọi sự ngăn cản, cấm đoán cũng chỉ khiến đôi trai gái thêm quyết tâm mong ngóng chờ đợi nhau. Tiếng sáo của chàng Cốc không còn vọng đến nàng Công. Nước mắt nàng Công chỉ mình nàng Công biết. Nhớ thương tuyệt vọng, chàng Cốc héo hon mà chết. Trời đất cảm thương hóa chàng thành một quả núi sừng sững giữa trời. Suốt bốn mùa, gió man mác trong cây lá như tiếng sáo xa xăm vọng về. Còn nàng Công, trong buồng giam nhớ thương chàng Cốc khôn nguôi. Nàng khóc ngày đêm. Cho đến một ngày kia cả tấm thân nàng cũng hóa thành nước mắt. Những giọt nước mắt yêu thương thủy chung qua năm tháng thấm sâu vào đất, chảy thành dòng theo vết nứt tìm về núi Cốc. Mỗi năm khi mùa hè đến, trên núi Cốc và đôi bờ sông Công nở đầy loài hoa sim tím, như thầm nhắc thiên diễm tình thuở ấy. Nàng Công quặn mình đau đớn, uất hận khao khát. Đó là những ngày mưa lũ, nước sông Công dâng ào ạt để gần núi Cốc hơn.

Các cụ già kể lại với hậu thế rằng, nước mắt nàng Công thấm vào rễ cây chè mà tạo nên vị ngọt cứ lưu luyến, ngân nga, để người ta nhấp chén trà một lần rồi nhớ mãi mà chẳng biết vì sao.

 

“VÙNG TRÀ…Tân Cương, Thái Nguyên”, Nguyễn Việt Bắc. Đăng trong bac.do ngày 9 tháng 4 năm 2012. Vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Lê Ngọc Linh
22/11/2022 - 3:00