Nhắc đến cây chè xứ Thái là nhắc đến vùng đất Tân Cương của huyện Đại Từ. Thế nhưng ít ai biết, Thái Nguyên của hơn nửa thế kỷ trước còn có một vùng chè nức danh không kém: Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Đất Sông Cầu, nhà máy chè Sông Cầu đã có quãng thời gian đáng tự hào khi xuất khẩu loại nông sản đặc biệt này đến nhiều quốc gia trên thế giới trước khi phải hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa cả nhà máy lẫn một vùng nguyên liệu mênh mông. Mấy mươi năm sau, chính những người con của Sông Cầu đã làm nên kỳ tích – hồi sinh và ghi danh “chè Sông Cầu vào “bản đồ cây chè” Việt Nam.
Mỗi gốc chè một chứng tích
Những quả đồi chen chân nhau úp súp, bao quanh thị trấn Sông Cầu bình dị. Đất đồi đang chờ từng tán chè phủ kín. Trong ký ức của các ông già, bà lão – từng vạt đồi nối tiếp nhau từng là Nông trường chè Sông Cầu nức tiếng. Từ 60 năm trước, cây chè đã bám rễ trên đất này. Người nông dân Sông Cầu trở thành công nhân nhà máy, nhận lương tháng để chăm sóc, sản xuất chè cho Nhà nước. Nông trường chè cũng là “nhân chứng” của những ngày Mỹ leo thang ở miền bắc. Công nhân nông trường Sông Cầu chắc tay hái, vững tay súng – vừa là công nhân, vừa là dân quân bảo vệ nhà máy – tài sản của Nhà nước.
Các cụ kể, bấy giờ còn đào hầm trú ẩn dưới gốc chè để vừa sản xuất vừa chiến đấu. Cây chè đã chứng kiến những bi thương, hào hùng của cả giai đoạn kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.
Tuổi gần bát thập, mái tóc lơ phơ trắng như một đụn mây; vừa hãm ấm trà xanh tươi rói đãi khách, cụ Vũ Văn Quý vừa xa xăm nhớ: Những ngày ấy, có nữ công nhân sắp đến ngày sinh, bụng mang dạ chửa vẫn thoăn thoắt hái chè trên đồi. Rồi máy bay Mỹ ném bom, cả hai mẹ con cùng bị vùi xuống đồi chè…
Liệt sĩ Nguyễn An Trung mồ côi từ tấm bé, không một ai biết nhân thân, quê quán ở đâu. Anh đã lớn lên trong sự cưu mang của bà con Sông Cầu rồi tự nuôi sống bản thân bằng những ngày công lao động trong nông trường chè. Anh công nhân ấy viết đơn tình nguyện nhập ngũ, vào chiến trường Quảng Trị khốc liệt rồi hy sinh. Bốn mươi sáu năm sau (năm 2016), di nguyện của liệt sĩ An Trung mới có cơ hội trở thành hiện thực: “Nếu tôi chết, xin báo tin về Nông trường chè Sông Cầu”.
Đẫm đầy chứng tích là thế, nhưng rồi cách thức làm ăn cũ không còn phù hợp với xu thế của thị trường. Cả nhà máy và nông trường chè ngày càng teo tóp, cả khi Nông trường chè Sông Cầu chuyển đổi thành Công ty chè Sông Cầu, hy vọng vực lại vị thế cũng như kéo lại công ăn việc làm cho công nhân cũng chẳng thể thành công. Thương hiệu “chè Sông Cầu” chỉ còn là một thời vang bóng.
Hơn mười năm trước, “chè Sông Cầu” tan tác, công nhân nhà máy chè về làm nông dân, tự mình xoay xỏa với đầu ra, đầu vào lẫn đủ loại kỹ thuật chăm bón. “Ngủ quên” quá lâu, phương thức canh tác mới trở thành xa lạ với chính những người nông dân, trên chính những đồi chè họ đã cả đời gắn bó. Bà con chỉ còn biết phá bỏ những gốc chè thăn thớ, cổ thụ để trồng những giống chè mới được lai ghép.
Xoay xỏa thế, mà tình hình cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu. Những búp chè mơn mởn từ trên đồi về, thấm bao công sức, mồ hôi, nước mắt của người dân mà phải bán tống tháo với cái giá rẻ như bèo. Thời gian đó, “chè bẩn” còn làm loạn thị trường. Chè của những người nông dân Sông Cầu chân chỉ hạt bột rơi vào cảnh lép vế.