Bối cảnh: Thiên Lợi Hưu (còn gọi là Sen Rikyū) được coi là một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng sâu sắc đến chanoyu, trà đạo Nhật Bản, đặc biệt là truyền thống wabi-cha. Ông cũng là người đầu tiên nhấn mạnh đến một số khía cạnh quan trọng của buổi lễ, bao gồm sự giản dị mộc mạc, sự tiếp cận trực tiếp và sự trung thực của bản thân. Mặc dù Rikyū đã là một trong những người đáng tin cậy nhất của Hideyoshi, vì những sự khác biệt quá lớn trong tư tưởng và vì vài lý do khác, Hideyoshi đã ra lệnh cho ông phải mổ bụng tự sát. Ông tự sát tại dinh thự Jurakudai của Hideyoshi tại Kyoto vào 28 tháng 2, 1591, ở tuổi bảy mươi.
Thiên Lợi Hưu – SEN RIKYŪ
Vào ngày từ giã định mệnh, Rikyu mời những môn đệ trưởng của mình tới tham dự buổi tiệc trà cuối cùng. Các vị khách đau buồn hội tụ ở Machiai […] Một làn hương trầm thoang thoảng tỏa ra từ phòng trà; đó là lời mời khách bước vào. Từng người một tiến vào và ngồi vào chỗ của mình. Tại Tokonoma (nơi góc phòng thường treo tranh, đặt bình hoa hoặc hương trầm) có treo một bức Kakemono thể hiện bút pháp tuyệt vời của một vị sư thời xưa nói về sự phù du của mọi điều thế tục. Tiếng reo của nồi nước đang sôi trên lò than nghe như tiếng ve kêu buồn bã khi phải giã từ mùa hạ.
Rồi vị chủ nhà bước vào phòng. Từng người một được mời thưởng thức trà và từng người một lặng lẽ uống cạn chén trà, chủ nhân là người uống sau cùng. Theo nghi lễ, vị khách chính xin phép hỏi bộ đồ trà. Rikyu đặt các vật dụng khác nhau trước mặt họ cùng với bức thư pháp. Sau khi mọi người bày tỏ sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của chúng, Rikyu tặng mỗi người tham dự tiệc trà một vật làm kỷ niệm. Ông chỉ giữ lại chiếc bát.. “Chiếc bát đã bị ô uế bởi đôi môi kẻ bất hạnh này, sẽ không bao giờ được sử dụng nữa”. Nói xong, ông đập vỡ chiếc bát thành nhiều mảnh.
Buổi tiệc trà kết thúc, các vị khách nén kìm nước mắt một cách khó khăn, nói lời từ biệt cuối cùng và rời phòng trà. Duy nhất một người, người gẫn gũi và thân cận nhất được yêu cầu ở lại để chứng kiến hồi kết. Rikyu cởi bỏ trà phục và cẩn thận gấp lại đặt trên chiếu, để lộ ra tử phục trắng tinh khiết được mặc giấu cho đến lúc bấy giờ. Ông dịu dàng ngắm nhìn lưỡi dao định mệnh sáng loáng, rồi ngâm vài vấn thơ tao nhã:
Xin chào mi,
Lưỡi gươm vĩnh hằng
Qua cả Phật Đà
Qua cả Đạt Ma
Mi tự xuyên qua.
Với một nụ cười trên khuôn mặt, Rikyu bước vào cõi vô định.
– trích Trà Thư của Okakura Kazuzo