Những phương pháp cải tạo nước trong cuộc sống, từ đơn giản tới đắt đỏ sẽ được bài viết lý giải và phân tích. Từ đó, người đọc có thể trang bị cho bản thân những kiến thức về nguồn nước bản thân đang sử dụng, hay với những người yêu trà, có thể tạo cho mình nguồn nước pha trà tốt hơn.
Đối với người pha trà thì nước suối, giếng khơi hay nước mưa sạch là cả một ước mơ. Vì không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận được những nguồn nước tốt như vậy mà ngày nay do ô nhiễm thì những nguồn nước như vậy cũng chưa chắc còn sạch như xưa. Trong khi đó thì nước máy gần như có ở khắp mọi nơi, tuy nhiên loại nước này không hề lý tưởng cho việc pha trà. Mặc dù vậy nhưng với một chút cố gắng qua những cách sau đây, chúng ta có thể tạo ra được loại nước có thể nói là ‘tạm ổn’ để pha trà. Sau đây là những cách xử lý nước, được sắp xếp từ tiết kiệm và đơn giản cho đến đòi hỏi chi phí cao.
Một trong những cách đơn giản nhất đơn giản và tiết kiệm nhất để xử lý nước đó chính là ủ nước. Ủ nước là cách chúng ta cho nước vào một vật chứa, như bình nước lớn hay lu chẳng hạn, và để như vậy qua đêm hay trong nhiều ngày. Ủ nước có những tác dụng sau:
Đối với những người yêu trà thì có rất nhiều cách để ủ nước. Chẳng hạn như cho nước vào can nước đóng chai lớn mà không đậy nắp, không nên đổ đầy cổ chai mà chỉ lưng chừng thôi, việc này giúp bề mặt nước tiếp xúc với không khí nhiều hơn. Lưu ý là nên dùng tấm vải mỏng để bọc miệng bình, đồng thời chùi rửa bình thường xuyên để tránh muỗi đẻ trứng trong bình nước.
Than hoạt tính hay carbon hoạt tính là một dạng carbon được xử lý ở nhiệt độ khoảng 1000°C trong môi trường yếm khí (không có mặt Oxy trong không khí). Việc này giúp tạo ra một dạng than có rất nhiều lỗ nhỏ li ti, giúp tăng bề mặt tiếp xúc của than. Tương tự như than tổ ong được đục nhiều lỗ để tăng bề mặt tiếp xúc của than với không khí khi đốt, giúp tăng Oxy để quá trình cháy diễn ra dễ hơn.
Một gram than hoạt tính có thể có bề mặt tiếp xúc từ 200 cho đến 2.000m2. Chính bề mặt tiếp xúc lớn như vậy nên than hoạt tính hay được dùng để “khử” mùi và tạp chất trong không khí cũng như chất lỏng.
Dùng từ “khử” cũng không hoàn toàn chính xác khi miêu tả than hoạt tính, mà từ hấp phụ sẽ chính xác hơn. Vì than hoạt tính có khả năng lọc các hợp chất hữu cơ (phân tử có chứa Carbon) trong nước, và giữ các hợp chất này lại. Than hoạt tính thường được dùng trong các bộ lọc nước, hay lọc không khí trong các máy điều hoà. Đối với trà thì than hoạt tính làm từ tre để cho thẳng vào nồi đun nước.
Than hoạt tính có thể hấp phụ các thành phần hoá học như: Clo (dùng để khử nước máy), Cloramin (tạo ra Clo khi cho vào nước), tannin (vị chát), phenol (thuốc diệt cỏ), Hydrosulfua (mùi thối) và một số chất tạo mùi khác, và lượng rất nhỏ một số kim loại nặng. Tuy nhiên, than hoạt tính lại không loại bỏ được các chất vô cơ trong nước như: Amoniac và Nitrat (đến từ chất thải của con người, động vật hay phân bón), Flo, Natri, kim loại nặng, vi khuẩn, và các loại nấm.
Than hoạt tính ở nước ta thường được làm từ thân cây tre hay gáo dừa. Gáo dừa là nguyên liệu làm than hoạt tính tốt hơn nên miền Nam là nơi sản xuất chính của loại than này. Đối với người chơi trà thì họ hay dùng than hoạt tính làm từ tre, than tre hay takesumi được dùng trong trà đạo Nhật Bản từ thế kỷ 17, thế nên xu hướng dùng than tre làm sạch nước pha trà cũng bắt nguồn từ đây.
Kết hợp với cách ủ nước nêu ở trên, chúng ta có thể cho vài thỏi than hoạt tính vào bình nước lớn. Để như vậy trong vài ngày thì nước vừa được ủ, vừa được “lọc” bởi than hoạt tính.
Có một lưu ý khi dùng than hoạt tính là khả năng hấp phụ các chất hữu cơ của loại than này mất dần theo thời gian. Thế nên khi dùng than hoạt tính để làm sạch nước thì cũng nên cần lưu ý là thay thế than sau một thời gian sử dụng.
Các loại máy lọc nước dần trở thành đồ vật không thể thiếu ở nhiều gia đình, trường học cũng như công ty vì tính khả dụng của loại máy này. Các loại máy lọc nước hiện đại bây giờ thường là kết hợp của việc sử dụng nhiều công nghệ lọc khác nhau. Những công nghệ phổ biến nhất bao gồm:
Than hoạt tính vừa có giá thành hợp lý lại vừa hiệu quả nên không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều loại máy lọc nước hiện nay sử dụng đầu lọc làm từ than hoạt tính. Nước sẽ được chạy thật chậm qua một bộ lõi chứa than hoạt tính. Và như đã nêu thì than hoạt tính có thể giữ lại một số thành phần hoá học không tốt. Nước sạch sau khi lọc lại đưa vào một bình chứa được lắp sẵn trong máy lọc để chờ được sử dụng.
Hiện nay có nhiều công ty tung ra dạng đầu lọc than hoạt tính lắp thẳng vào vòi nước. Ý tưởng là nước chảy qua đầu lọc này sẽ sạch hơn. Tuy nhiên cách này không hiệu quả vì than hoạt tính cần thời gian để hấp phụ các thành phần hoá học gậy hại. Chứ không thể nào lắp vào vòi nước để nước chảy nhanh qua như vậy được.
Khuyết điểm của đầu lọc than hoạt tính là mất khả năng hấp phụ theo thời gian. Và nếu dùng lâu thì đầu lọc dần trở thành ổ vi khuẩn cũng chính vì bề mặt gồm rất nhiều lỗ nhỏ li ti. Thế nên khi dùng máy lọc than hoạt tính thì cần nên vệ sinh liên tục và thay đầu lọc sau một khoảng thời gian sử dụng.
Đa phần các đầu lọc đều không có khả năng diệt vi khuẩn, thế nên nhiều máy lọc nước hiện nay còn được lắp thêm đèn phát tia cực tím để diệt khuẩn. Tia cực tím là một trong những cách rẻ nhất để diệt khuẩn, thế nên hầu hết những công ty bán nước uống đều sử dụng công nghệ này.
Tia cực tím có tác dụng làm biến tính DNA của vi khuẩn, và khiến cho chúng ngừng hoạt động. Nước khi được chiếu đèn tia cực tím phải có liều lượng phóng xạ tia cực tím ở mức thấp nhất là 30 mJ/cm3 . Chỉ ở mức phóng xạ này thì vi khuẩn mới ngừng hoạt động.
Màng lọc RO (Reverse Osmosis) hay thẩm thấu ngược là công nghệ lọc được sử dụng phổ biến hiện nay. Nước bị ép chảy qua một màng bán thấm, và phần lớn chỉ có phân tử nước lọt qua được màng bán thấm này. Do màng bán thấm có các lỗ siêu nhỏ ở cấp độ phân tử, thế nên chỉ có phân tử nước và rất ít các thành phần khác lọt qua được màng lọc này. Màng lọc sẽ giữ lại gần như là tất cả các thành phần khoáng chất và vi khuẩn.
Màng lọc RO còn được ứng dụng trên tàu ngầm hoặc tàu chiến. Nước biển được hút vào, sau đó chạy qua màng lọc RO để trở thành nước ngọt. Và nước ngọt này sẽ được các người lính dùng trong sinh hoạt.
Tuy nhiên, một trong những nhược điểm lớn nhất của màng lọc RO đó chính là loại bỏ rất nhiều khoáng chất có trong nước, khiến độ pH giảm đi và nước sẽ hơi bị chua. Ngoài ra thì màng lọc RO còn có nhược điểm là lọc rất lâu, khoảng 1 tiếng đồng hồ thì mới lọc được 1 lít nước.
Trao đổi ion là phương pháp lọc nước thường dùng để làm “mềm” nước hay còn gọi là khử khoáng chất. Trong việc xử lý nước sinh hoạt thì phương pháp này giúp khử một số loại muối, khử khoáng, khử Nitrat, khử màu, khử kim loại và các ion kim loại nặng khác có trong nước. Các loại máy lọc nước dùng phương pháp trao đổi sẽ sử dụng những hạt nhựa trao đổi ion. Những hạt nhựa này có khả năng trao đổi ion thường có 2 loại là: hạt cationic (âm) và hạt anionic (dương). Chẳng hạn như nếu cần dịch nước nhiễm muối (NaCl) thì hạt cationic sẽ hút Na+ và nhả H+, trong khi đó hạt anionic sẽ hút Cl– và nhả OH–, khi H+ gặp OH– thì chúng ta có nước H2O.
Ngoài ra thì các hạt nhựa trao đổi ion này còn có khả năng giữ lại các thành phần gây ra nước cứng như magiê hay canxi.
Ấm tetsubin là dạng ấm gang của Nhật Bản, ra đời với mục đích là để đun nước pha trà trong trà đạo Nhật Bản. Ngoài hình thức bắt mắt, ấm tetsubin còn có một đặc tính nổi tiếng đó là làm “mềm” nước. Nhiều người nhầm lẫn từ “mềm” với việc xử lý nước có nhiều kim loại. Nước “cứng” hay nước có nhiều kim loại, không dùng để ăn hay tắm giặt được. Nên nước cứng này được làm mềm bằng cách lọc hay xử dụng hoá chất.
Tại sao ấm tetsubin lại có khả năng này? Khi đun nước bằng ấm tetsubin thì các phân tử sắt tan vào trong nước, khi pha trà thì các phân tử sắt này bị kết dính (binding) bởi các thành phần tannin có trong trà. Việc kết dính các phân tử kim loại là một trong những hoạt động chống oxy hoá của các hợp chất polyphenols, và tannin (tạo vị chát cho trà) cũng là một nhóm polyphenol. Do bị dùng để kết dính các phân tử sắt, tannin trong trà bị giảm đi nên khi pha trà nếu tinh ý có thể thấy trà ngọt hơn. Nhưng trong thực tế thì trà vẫn có độ ngọt như bình thường, nhưng do vị chát phần nào bị giảm đi nên cơ quan cảm thụ trong lưỡi sẽ cho chúng ta thấy trà có vẻ ngọt hơn.
“Nước pha trà”, Trà Nhân Kiệt. Đăng trong bac.do ngày 23 tháng 7 năm 2011. Vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý từ tác giả.