Văn hóa- 26/02/2023 - 7 phút đọc

Bát nước chè xanh thêm gừng

Quê tôi Thành Đông, xưa nghèo lắm, và tục uống nước chè xanh trong ký ức của tôi cũng chả có ấn tượng mấy. Ở làng tôi hồi tôi còn bé thì thứ nước nhà nhà đều uống là … NƯỚC LÁ VỐI KHÔ. Bạn đọc không nhầm đâu, quê tôi xưa cũng có cây chè, nhưng chỉ lác đác, nhà ông ngoại tôi cũng có, nhưng nước chè xanh tôi chưa thấy ông tôi ủ bao giờ, toàn ủ nước vối uống, chan cơm ăn với cà muối.

Trà tất nhiên là có, nhưng là thể loại trà mạn, trà Thái nguyên đóng gói nilon con con 1 lạng, không nhãn mác, pha đặc chát xít chỉ dành tiếp khách. Chứ lúc đó làng nghèo lắm, tiền ăn chả có nói gì mua trà mạn. Rồi khi ấy đường sá bất tiện nên kinh tế khó khắn lắm. Vì vậy mà quê tôi người làng chuộng LÁ VỐI KHÔ, không phải tươi nhé. Có thể ủ ẩm rồi phơi khô hoặc khô xong ủ ẩm rồi lại phơi, cách nào cũng cho ra vị nước vối mà tôi không bao giờ quên.

À mà … tôi quên. Đang viết về chè tươi – chè xanh mà. Quay lại thì đó là ký ức tuổi thơ tôi, không biết đến chè xanh – chè tươi là cái gì. Cho đến khi tôi lớn, ra thành phố học xa nhà nhưng năm cấp 3. Thuở ấy quê tôi cũng bớt nghèo rồi, nhưng cái Thành Đông nó như là cái phố cổ Hà Nội vậy, với nét kiến trúc Pháp cổ xen lẫn … Liên Xô và khu ngoại thành thì đậm chất …làng. Một trong những cái nét rất quen là … QUÁN NƯỚC CHÈ XANH. Cạnh trường tôi ngay bên kia tường rào là một bà cụ 80 tuổi, mở một quán nước chè xanh, cứ đúng 5 giờ sáng là bà nhóm lửa bếp than củi riu riu, đặt siêu nước đun, bày cái hàn tre nho nhỏ trên đặt ít thuốc lào, thuốc lá, ít quà bánh quê tôi như bánh gai, đậu xanh, bánh dợm, kẹo lạc. Và một cái tích cùng vài ba cái chén tống to hơn cái chén uống trà trong bộ sứ Hải Dương xưa mà bé hơn cái bát ăn cơm. Men ngà. Và bà … không bao giờ ủ chè. Thời ấy tôi nửa đêm hay dậy học bài (Vì tôi ngủ từ 7h tối rồi) đến gà gáy thì trèo tường ra ngoài ký túc đi … kiếm đồ ăn cùng mấy anh khoá trên. Một sáng cuối thu năm ấy, tôi bị mấy chú Công An tưởng nghiện ( thời ấy nghiện hoành hành dữ lắm, nên CA hay đi tuần lúc tảng sáng) dí cho chạy toé khói, chạy bợt mặt, tuột cả dép, bí quá chui vào quán bà cụ trốn. Bà cụ biết tôi là học sinh vì mặt non choẹt à (thực ra là bà biết thừa tất cả thằng nào nghiện khu ấy) nên cũng bảo vệ cho tôi thoát. Lúc ấy nước đang sôi, bà chậm rãi ngồi rửa ít lá chè tươi, để trong cái rổ cho ráo.

Tiện thấy tôi đang sợ tý … đái ra quần, bà bảo: “Cháu ngồi đấy, ăn cái bánh gai đi, bà cho bát nước chè mà uống cho tỉnh”. Tôi vâng dạ, ăn vội cái bánh gai. Bà cụ vò vò nắm chè tươi, bỏ vào cái tích ngà, rót lượt nước sôi làm lông chè bỏ đi. Rồi bà lấy nhánh gừng đập cái bẹp bỏ vào, rót thêm lượt nước, để đó chừng năm phút thì rót hết ra một lượt các chén. Bà đưa tôi một chén. Tôi cầm lên hít hà. Chùi ui… thơm vậy, mùi chè tươi quyện mùi gừng nó ấm áp, mượt mà, thơm một cách khó tả. Nước chè xanh trong vắt, màu xanh của mùa xuân của lộc non. Tôi hít hít mãi rồi làm ngụm lớn hết chén. Chùi ui lần nữa, ngọt … Ngọt … chát chát nhẹ, cay ấm của gừng … rồi lại ngọt, thơm họng quá, … lại ngọt nữa. Bất giác … chả cần bà mời tôi tự quơ uống sạch mấy chén còn lại. Bà cụ cười …. Tôi cũng cười … sặc cả nước chè tươi. Rồi rôm rả kể chuyện, rồi lác đác các cụ ông, các bác quanh đó qua. Bà lại làm thêm lượt nước, lá chè xỉn màu là bà lại vò làm lượt mới, … và không bao giờ thiếu gừng. Từ đó, dù mới trẻ con mười sáu, mà tôi đâm mê cái món chè tươi. Sáng sáng kiểu gì cũng qua quán bà cụ làm tích chè, buôn dăm ba câu chuyện.

Qua cả thời học sinh ngổ ngáo ấy. Chè tươi nó bám quanh môi tôi, vương vấn vị gừng, vị trà xanh thanh mượt. Sau này lớn lên ra Hà Nội và đi khắp các tỉnh Tây – Đông Bắc, tôi vẫn thích uống chè tươi. Nhưng không phải theo lối hãm tích ủ lâu, mà như uống trà khô vậy. Chọn từng ngọn trà, rửa, vò, tráng và không quên chút gừng. Nó như là vị thời gian nơi quê nhà tôi vậy. Đơn sơ, mộc mạc. Giờ tôi vừa uống, vừa bán chè Tàu, cả chè Ta, nhưng những thứ muôn năm cũ, thời khốn khó, hay đúng hơn là một chút tình người muôn năm cũ luôn là một cái gì đó kỳ diệu.

Với tôi đó là BÁT NƯỚC CHÈ XANH – THÊM GỪNG.

– Trà Nhân Kiệt.

Lê Ngọc Linh
26/02/2023 - 6:30