Đa dạng về chủng loại, mùi hương và màu sắc, Trà là thức uống phổ biến trên toàn thế giới. Gần đây, văn hoá trà đã thu hút được sự chú ý đáng kể của người trẻ tại Trung Quốc như một thú vui xã hội.
Uống trà như một hoạt động có khả năng kết nối mọi người với nhau khi cả gia đình quây quần bên bếp trà và nói chuyện phiếm, gợi nhớ về tổ tiên của họ.
Tại quán trà có tên Ziyoudiluying ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, trà Phổ Nhĩ, một loại trà lên men nổi tiếng với hương thơm tinh tế, được pha trên bếp bằng ấm đất sét đỏ son. Một loạt các món ăn nhẹ ngon lành như quả hồng, táo tàu và đậu phộng nằm rải rác xung quanh nồi. Tất cả trở thành chất dẫn cho câu chuyện của mọi người.
“Pha trà là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn. Mọi người quây quần bên bếp lửa, trò chuyện, uống trà và an tĩnh. Bầu không khí như vậy mang đến một khoảng thời gian nghỉ ngơi thoát khỏi sự ồn ào của cuộc sống hàng ngày và đón nhận cảm giác bình yên”, Tong Shanshan, 31 tuổi, chủ quán cà phê nói.
Hơn 500 lượt gọi đồ đã được phục vụ kể từ khi quán của Tong Shanshan triển khai dịch vụ đun trà trên bếp lửa vào tháng 1, với một bộ trà cơ bản có giá 268 nhân dân tệ (khoảng 39 đô la Mỹ) cho hai đến bốn người.
“Uống trà đã trở thành một hoạt động mà mọi người đều ưa thích. Trà không chỉ tốt cho sức khoẻ mà nó còn khuyến khích được nhiều người trẻ đón nhận văn hoá, lịch sử hơn khi mà Trung Quốc là đất nước đầu tiên sử dụng trà. Nó gây dựng tính tự hào dân tộc trong hoạt động này và nhắc nhớ thế hệ trẻ bảo tồn cùng giữ gìn”, Tong nói.
Trời lạnh vào mùa đông khiến cho việc đun trà trên bếp lửa được nhiều người yêu thích hơn và phong cách truyền thống này đã trở thành xu hướng khá “hot” trên mạng xã hội. Có hơn 750.000 ghi chú về chủ đề này trên Xiaohongshu, hay Little Red Book, nền tảng truyền thông xã hội tập trung vào lối sống của Trung Quốc và gần 5 tỷ lượt xem video trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc.
Zhang Xuange, một du khách ở Bắc Kinh đến từ thành phố Thẩm Dương, phía đông bắc Trung Quốc, cho biết: “Xu hướng thưởng thức trà này khiến chúng tôi cảm thấy như mình đang ở trong những cảnh phim truyền hình cổ trang”.
Ding Yong, người đứng đầu văn phòng thương mại thành phố cho biết, tổng mức tiêu thụ trà ở Bắc Kinh dự kiến sẽ tăng khoảng 5,5% vào năm 2023 và chính quyền đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng tiêu dùng trà trong khu vực một cách khoa học.
Mười năm vừa qua, cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi, thị trường trà hiện đại, bao gồm trà đun sôi và trà pha kết hợp với trái cây hay rau quả tươi, cùng những loại khác, đã bùng nổ. Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu iiMedia Research, quy mô thị trường trà ước tính sẽ đạt khoảng 375 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025, với 26,2% người tiêu dùng vào năm 2022 cho thấy họ có ý định tiêu thụ nhiều hơn.
Trà Trung Quốc có một lịch sử phong phú vượt qua cả biên giới và thời gian, nhờ Con đường Tơ lụa cổ đại và Con đường Trà Mã. Ngày nay, mặt hàng. này được săn lùng tiếp tục chứng minh sức sống của nó trong thế giới hiện đại, đồng thời nhận được sự công nhận từ cộng đồng toàn cầu.
Vào năm 2022, các kỹ thuật pha trà truyền thống của Trung Quốc đã được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO.
Tại cửa hàng trà Wuyutai trên phố Qianmen, một trung tâm thương mại lớn ở Bắc Kinh, khách hàng có thể xếp hàng dài để mua “kem trà” đặc sản. Thương hiệu thành lập tại Bắc Kinh vào năm 1887, đã nổi tiếng với loại trà hoa nhài tinh tế. Với hơn 500 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, công ty hiện đang trải qua quá trình chuyển đổi để đáp ứng sở thích của giới trẻ. Zhao Shuxin, chủ tịch hội đồng quản trị của Wuyutai Tea, cho biết: “Từ lâu, chúng tôi đã thay đổi để đáp ứng sự phát triển của thị trường, đồng thời ra mắt món kem trà vào năm 2008. Nó là một thức uống thành công nhất của chúng tôi”.