Nếu như Tết trung thu là một dịp lễ Tết quan trọng để con người có dịp hội ngộ, quây quần bên nhau, thì, đó cũng là dịp hiếm hoi mà trà…và bánh có dịp “đoàn viên”. Bánh và trà, hòa quyện cùng với nhau đem đến cho ta thật nhiều những xúc cảm tươi đẹp và ấm áp.
Hà Nội, cuối cùng cũng chậm rãi trở mình sang thu. Thu đến, se sẽ nhắc nhở rằng những cơn gió thoảng qua của tiết trời mát dịu và cái nắng vàng ruộm một góc phố. Bằng hương hoa sữa thoảng nhẹ nơi đầu ngõ, bằng gánh thị vuột qua trước mắt, bằng đĩa cốm non xanh thơm ngậy và bằng hương trà ấm nóng bên người thân. Hễ thu đến, tâm tình mỗi người lại nhẹ nhàng hơn, an tĩnh hơn. Là bởi, vừa trải qua cái nóng gắt gao của mùa hạ hay những nuối tiếc của thắng Bảy âm lịch, người ta chờ đợi rằm thắng Tám như một dịp lễ Tết để tụ hợp lại với người thân sau một quãng dài thời gian xa mặt cách lòng, cùng nhau đón một cái Tết trung thu.
Vào lễ Rằm ấy, những hay được nhắc đến vẫn là ăn bánh, thưởng trà, ngắm trăng: bộ ba luôn đi kèm với nhau mỗi khi nhắc tới mùa lễ đoàn viên. Không có nhiều dịp trong năm mà người thẳng trà sẽ ăn kèm một món quà vặt khi uống trà. Bởi khi ăn kèm một thứ gì đó sẽ làm trà bị mất hương và vị. Thế nhưng trung Thu lại là dịp mà người uống trà tự cho mình một cái ngoại lệ. Tuy vậy, không phải thức trà nào cũng có thể dùng kèm mà hợp tình hợp lẽ với cái ngọt cay của mứt gừng mứt bí, hợp với cái ngọt thơm của bánh dỏe bánh nướng. Không giống những niêm luật hay quy tắc khắt khe như khi kết hợp đồ ăn và rượu của phương Tây, trà cùng bánh được tuyển lựa thoải mái hơn dựa trên vị giác của người uống để sao cho cái dịu ngọt của bánh, để trà và bánh âm thầm quấn quýt làm bật lên mùi vị của nhau chứ không bị lạc vị, kém duyên.
Trà được dùng trong dịp trăng tròn, vẫn được ưu tiên chọn lựa là trà xanh Bạch Hạc – thức trà thơm dìu dịu mùi cốm non và mang đậm vị của ngày xưa do chồng mình khôi phục. Đây là loại trà được chế biến từ nguyên liệu của vùng Tân Cương – Thái Nguyên. Tương truyền khi xưa, trong một chuyến đi về Phú Thọ, cụ Nghè Sổ đã xin được giống trà quý về trồng tại địa phương. Vô tình hữu ý, thổ nhưỡng khí hậu của Tân Cương lại khiến cây trà ấy cho ra hương vị thơm ngon lạ thường. Những cánh trà Bạch Hạc xanh ngát màu lá non, thơm phức hương cốm mới, sẽ sàng tỏa hương ngay từ khi mở gói trà. Hương thơm của Bạch Hạc nồng nàn như cô gái đương thi xuân sắc, nước trà Bạch Hạc xanh trong, ngọt vị như một sớm bình minh. Chỉ cần nhấp môi ngụm đầu tiên, thưởng khách đã nghe thấy hương cốm phập phồng nơi cánh mũi, ngập đầy trong khoang miệng. Uống cạn một chén trà, là uống cạn những tinh hoa của đất trời, đã e lệ giấu mình trong từng búp trà xanh Bạch Hạc.
Loại bánh ăn kèm với trà, đương nhiên là bánh nướng bánh dẻo – thứ quà chỉ có riêng vào dịp Tết trung thu, nhưng nhất định phải là loại bánh cổ truyền chứ không nên là những biến tấu mới bởi sẽ làm mất vị trà. Thử tưởng tượng nếu như thức bánh được chọn lại có vị ngậy của bơ sữa hay nặng mùi như của sầu riêng thì trà với bánh lúc đó lại có phần rời rạc, không thể kết duyên với nhau và bữa quà Trung thu đột nhiên lại thành “nhầm trà”. Bởi thế mà những gì thuộc về truyền thống vẫn được ưa dùng hơn cả. Đó là bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa hình tròn, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn kèm theo hạt bí giòn giòn. Bánh nướng, phải là chiếc bánh có vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân có thể được làm bằng đậu xanh hay nhân thập cẩm gồm lạp sườn. mỡ lợn xắt nhỏ, mứt bí ngòn ngọt, hạt bí được rang thơm ngậy, một chút lá chanh và trứng muối. Tất cả quyện hòa vào với nhau mà chẳng ngọt sắc tới ngao ngán.
Cắt miếng bánh nhỏ, nhai chậm rãi, chiêu một ngụm trà Bạch Hạc được pha đậm hơn một chút, để vị của trà hơi chát trung hòa cái ngọt, cái béo ngậy của nhân bánh. Tự nhiên, kí ức tuổi thơ tràn về với những mùa trăng thu cũ, cùng háo hức với lũ trẻ trong xóm thắp đèn ông sao đi phá cỗ. Thế mới rõ, chiếc bánh chẳng hẳn là miếng ăn mà còn là cả bầu trời ngập tràn hồi ức tươi đẹp xiết bao.
Nguyễn Việt Bắc và Lê Ngọc Linh (2020), Thưởng trà dưới mái hiên nhà, Nhà xuất bản Hà Nội.
Vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý từ tác giả.