Gừng là một thức gia vị từ lâu đã quen thuộc với người dân Việt Nam. Ngoài những công dụng và dược tính trong chế biến thực phẩm hay y học, gừng còn có thể được sử dụng làm nguồn hương dệt vào trà. Chỉ với dụng cụ đơn giản, ta đã có thể tự làm cho bản thân loại trà dệt hương gừng tại gia đình.
Gừng được coi là gia vị quan trọng trong bếp Việt, được dùng trong nhiều món ăn truyền thống và phổ dụng trong các dịp lễ Tết.
Gừng cũng là thuốc. Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, trang 1054: “Gừng sống có vị cay, tính hơi ấm, có tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa. Gừng nướng có vị cay ấm, chữa đau bụng lạnh dạ đi ngoài. Gừng khô vị cay nóng, tính hàn. Vỏ gừng tiêu phù thũng. Gừng là vị thuốc quen thuộc trong nhân dân ta để giúp cho sự tiêu hóa, dùng trong những trường hợp kén ăn, ăn uống không tiêu, đi ỉa, cảm mạo phong hàn, làm thuốc ra mồ hôi, chữa hô mất tiếng”.
Ngoài những công dụng và dược tính trong chế biến thực phẩm hay y học, gừng còn có thể được sử dụng làm nguồn hương dệt vào trà.
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại gừng, trong đó phần lớn sẽ là giống gừng lai. Giống gừng này cho củ to, thời gian canh tác nhanh, ít xơ và nhiều nước, song nếu so với giống gừng bản địa thì nó lại đuối hơn cả về hương lẫn vị. Gừng ta rất đượm hương vị, tuy củ nhỏ, lâu công, nhưng gừng ta lại là lựa chọn tối ưu cho việc dệt hương vào trà, củ gừng được lựa chọn càng già càng tốt. Quá trình dệt hương gừng sẽ phải dùng tới nhiệt độ cao để cưỡng bức hương phát tán, nhưng là gừng tươi, thế nên hơi nước cũng sẽ bốc hơi mà nhiễm vào trà, từ điều kiện tiến hành dệt hương như thế nên trà cần có tính bền vững để chống chịu điều kiện khắc nghiệt. Rất may, nước ta rất đa dạng các loại trà được chế biến từ giống trà Shan Tuyết cổ thụ hoang dã trên các vùng núi phía Bắc đất nước. Các loại trà này đều có đặc tính thực vật bền, có thể chống chịu được trong môi trường khắc nghiệt, là lựa chọn tốt, vấn đề còn lại là lựa chọn cụ thể loại trà nào sẽ do quý vị quyết định.
Điều kiện vật chất của xã hội đương đại là rất thuận tiện, việc sở hữu chảo nướng điện là không khó khắn, nhược bằng không có ta vẫn có thể sử dụng chảo xào rán hoặc nồi vẫn nấu nướng hàng ngày với các loại bếp làm nguồn nhiệt vẫn ổn, chỉ có vấn đề là sẽ cần sự chú tâm và kỹ lưỡng hơn của người làm, cần sự giám sát kỹ càng quá trình ủ nhiệt. Ngoài ra, ta cần thêm những chiếc âu hoặc bát canh gia đình, và một cuộn giấy nhôm vẫn dùng với lò nướng điện.
Thuộc nhóm nguồn hương tính mộc và phát tán hương cưỡng bức, để cưỡng bức gừng tán hương ta sẽ dùng nhiệt độ chừng 100oC với phương pháp như sau:
Gừng ta mang thái lát mỏng, độ dày mỏng sẽ phụ thuộc vào sự khéo léo của đôi tay, xong độ dày tiêu chuẩn có thể lấy là chừng 1mm, có thể dày hơn hay mỏng hơn, nhưng ta phải cố để được độ dày đồng đều ở những lát gừng. Tỷ lệ khối lượng trà:gừng sẽ là 1:2, tỷ lệ này có thể điều chỉnh tăng giảm phụ thuộc vào mong muốn về hàm lượng hương ở trà sau khi dệt xong, có điều cần lưu ý là gừng không được quá nhiều, bởi nó sẽ làm trà nhiễm ẩm cao, dẫn đến sự biến đổi vị của trà nguyên liệu.
Sau khi chuẩn bị xong gừng và trà, ta tiến hành dệt hương. Lấy âu hoặc bát canh gia đình, tính toán để tổng lượng trà và gừng theo tỷ lệ trên khi đựng trong bát thì trà và gừng đầy ngang miệng bát. Đầu tiên, cho trà và bát, san trà phẳng mặt, rồi phủ tiếp gừng đã thái lát lên trên (hãy đảm bảo tỷ lệ), lấy giấy nhôm phủ mặt bát rồi úp xuống chảo mang đi cấp nhiệt. Nếu là chảo nướng điện, ta chỉ cần cắm điện và chọn chế độ nóng phù hợp để có được nhiệt độ mặt chảo chứng 100oC, nếu là chảo xào nấu hàng ngày hoặc nồi, thì ta sẽ phải cấp nhiệt bằng các loại bếp, nhưng điều kiện bắt buộc là người làm cần giám sát để duy trì được nhiệt độ cần thiết trong suốt thời gian dệt diễn ra trong 1 giờ 30 phút.
Sau quá trình cấp nhiệt, trà sẽ đồng thời bị nóng lên, nhiễm hương và cũng nhiễm ẩm, khi trà còn dẻo, ta mang đi ép cục với lực ép tương đương lực đè của một khối đá 25kg, có thể thành bánh tròn, vuông hay bất cứ hình dạng nào mà quý vị muốn. Sau khi ép, đợi một ngày, trà nguội, bánh trà định hình thì dỡ khuôn ép (đôi khi “khuôn ép” đơn giản là một tấm vải bọc lấy trà rồi đè bằng vật nặng), mang bánh trà đã có được hong nơi thoáng mát khô ráo, đợi bánh trà khô tới mức cánh trà giòn trở lại là được.
Bánh trà gừng có thể giữ được nhiều năm trong điều kiện khô thoáng, nếu quý vị có thể lưu giữ chừng vài năm trở lên, gừng sẽ dần chuyển sang hương ô mai, còn vị trà sẽ dần tròn dịu đi, thậm chí với trà tốt, nó có thể mang thêm chút cảm giác cổ kính với hương vị trà.
Nguyễn Việt Bắc và Lê Ngọc Linh (2020). Thưởng Trà dưới mái hiên nhà, Nhà xuất bản Hà Nội.
Vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý từ tác giả.