Hiện tượng những cây trà đã hàng chục, hàng trăm năm tuổi nhanh chóng bị suy kiệt, thoái hóa trong vỏn vẹn vài năm ngắn ngủi không khó để thấy. Vậy, tác động nào của con người đã thúc ép cây vào tình trạng như vậy? Nội dung bài viết sẽ phân tích chi tiết tập quán dẫn đến tình trạng này. |
---|
Năm 2016 ..hoặc 2015.. tôi nhớ không chính xác, nhưng Hà Nội đã chịu một cảnh tượng giông bão kinh hoàng, cây cổ thụ bật gốc khắp các nẻo đường và đâu đó những thi thể quấn vội khăn xô, tôi cùng chiếc máy ảnh 5DmaxII ra đường vào khi đỉnh điểm của giông lốc lớn, vợ con tái mặt lo âu, bởi nhẽ ra nên nên né tránh giông lốc, thì tôi lao ra đường, tôi đã đi khắp những tuyến đường nhiều cây xanh cổ thụ, Trần Phú, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hoàng Diệu, Láng, công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, vườn Bách Thảo, … khắp các nẻo đường tôi qua đều la liệt cây lớn bé bật gốc đổ ngổn ngang. Tôi còn nhớ khi tới công viên Thống Nhất, góc hồ Hale, phía ngã tư Quang Trung… Nguyễn Du, có một cây xà cừ lớn bật gốc, đè người, khi tôi dừng chân máu hẵng còn tươi, mùi hẵng tanh nồng, quện với mùi nhang khói, một mùi chết chóc ảm đạm trong cái ánh sáng nhá nhem và trời thì còn vần vũ, hứa hẹn những cơn giận kinh hoàng. Tôi lang thang khắp các phố năm ấy, không để xem xác chết hay bởi sự hiếu kỳ thị chúng, tôi muốn xem một thứ mà ngày thường không bao giờ có cơ hội, đấy là xem bộ rễ của những cây cổ thụ Hà Nội ra sao. Khi bật gốc, tất cả lộ thiên.
Đều nằm trên những tuyến đường và hướng đổ gần như vuông góc với mặt đường, cũng có nghĩa là vuông góc với luồng gió, sự vô lý này do đâu, tất cả các cây bật gốc này đều thuộc nhóm cây bị đốn tán hàng năm vào mùa hè nhằm chống giông bão.
Là nhóm cây đang sống trong những công viên lớn: Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất.. hoặc trên những tuyến đường không bị đốn cành hàng năm để chống giông bão, cành tán xum xuê trông có vẻ rất dễ bật gốc do khối lượng và độ rộng tán quá lớn. Vì sao chúng lại vô sự ?
Những cây bật gốc đều là cây thuộc nhóm đốn cành hàng năm, toàn bộ cây vô sự nằm trong các công viên hoặc các tuyến đường ít bị chặt cành, và đương nhiên cần phải quan tâm đến tỷ lệ rễ và tán cành lá bên trên, sự mất cân đối đến kinh ngạc, bộ rễ của những cây này hầu như chột hoàn toàn, những rễ vươn dài đều gầy đi rõ rệt dọc chiều dài rễ, hoặc bị thối mục, các rễ thứ cấp tương ứng với cành thứ cấp rất thưa thớt, nhiều rễ chính không có rễ thứ cấp, các rễ dăm tương ứng cành dăm cũng không còn nữa, gốc và rễ của những cây này hầu như co cụm về cội, gần như tạo thành một khối lớn dạng khối betong chôn cột điện, rễ trụi không vươn dài. Năm này Hà Nội tai ương, còn tôi có một mẫu để quan sát rễ của những cây bị cắt gọt cành lá thường niên vào mùa cố định.
Như đã phân tích ở bài viết về tập quán vặt ngọn, khi cây bị vặt ngọn hoặc chặt cành, cây sẽ tái sinh, theo hướng sinh trưởng hoặc sinh tồn tuỳ thuộc vào mức độ tác động đến cây, nhưng dù ở dạng nào thì có một hiện tượng nối theo đấy là phát sinh rễ, cứ nảy mầm xong thì cây phát rễ, đấy là quy luật, rễ luôn phát sinh và sinh trưởng phụ thuộc vào tán lá bên trên, khi vặt ngọn hoặc chặt cành, cây lại sẽ ưu tiên nảy lộc và dừng lại sự sinh trưởng của các đối tượng khác như: cành, lá, rễ… cứ thế, từng đợt phát sinh lộc kéo theo phát sinh rễ, vặt ngọn, rễ chột đi, lứa mầm mới hình thành, rễ mới hình thành, vặt ngọn, rễ mới lại chột, vòng lặp dài đằng đẵng này kéo đã cả trăm năm khiến bộ rễ gần như thoái hoá, yếu đi, sức lao động của rễ kém dần theo thời gian, như một gia đình mà những lao động chính cứ yếu dần, già dần, mất sức lao động dần, và khi không có đội ngũ kế cận tạo kế sinh nhai thì gia đình đó kiệt quệ dần và dẫn tới tan nát, biệt xứ, hoặc thê lương hơn nữa là từng thành viên chết rấp ở một nơi nào đó dọc đường mưu sinh…cũng như cây trà vậy !
Quá trình suy kiệt này diễn ra vô cùng chậm rãi, mỗi mùa suy một chút, chúng ta khó lòng nhận diện bằng mắt cho tới khi khi bộ rễ đã thoái hoá, trong khi sự nảy lộc của cây luôn bị thúc ép, các mầm non bắt đầu sử dụng đến phần dưỡng chất kết đọng trong thớ gỗ của cây mẹ, khi sự tiêu thụ nội chất cho việc hình thành chồi vượt quá ngưỡng hấp thụ chất của rễ thì cây cũng bắt đầu bên kia con dốc đời mình, bất luận cây đó bao nhiêu tuổi, và đang ở độ nào trong đời sống tự nhiên nó.
Cây trà hàng năm bị đốn cành đợi đâm chồi nảy lộc, đúng như những gì ta đã biết, cây đâm chồi, và ta hái, hái lại thấy cây đâm chồi, nhưng chúng ta mới thấy sự sinh nảy của chồi búp mà không để ý đến đội ngũ công nhân bên dưới mặt đất là rễ cây. Trong thời gian quá lâu dài, bộ rễ không được chăm sóc, điều kiện sống tự nhiên của nó cũng suy kiệt dần theo thời gian do tập quán canh tác, khi chồi đâm, rễ đâm, chồi bị vặt đi, rễ chột. Cứ tiến trình đó, không khác gì một gia đình mà người hưởng thụ thì càng tăng theo thời gian, trong khi người lao động tạo ra của cải vật chất lại còm cõi dần theo thời gian vậy, hay một doanh nghiệp mất cân đối thu chi. Tương lai là điều ta thấy rõ !
Cách nào để khôi phục cây trà san cổ thụ, cuộc sống tương sinh của nó với đối tượng cây khác trong quần thể mình ra sao là vấn đề cốt lõi để khôi phục sức sống tự nhiên, chúng ta phải hy sinh những lợi ích nào để có ích lợi cho cây và dài hạn cho chính chúng ta đây ?
“TRÀ SAN .. khôi phục”, Nguyễn Việt Bắc. Đăng trong bac.do ngày 20 tháng 9 năm 2021. Vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý từ tác giả.