Hướng dẫn- 17/11/2022 - 12 phút đọc

Vấn đề vặt búp trà san cổ thụ hàng năm, tập quán vặt ngọn sinh ra từ đâu?

Việc vặt búp hàng năm như hiện nay ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình sinh trưởng của những cây trà san cổ thụ như thế nào? Hiện tượng tái sinh ở cây cối là gì? Liên quan gì tới cây trà?

 

Cây trà San chết sau khi đốn cành. Ảnh: Việt Bắc

 

“Không một loài cây nào con người từng biết đến trên trái đất lại chỉ có thể sống khi phải thường xuyên vặt ngọn của nó đi!”

Tại sao cây trà san cổ thụ Việt Nam lại phải liên tục hái búp mới sống và tiếp tục cho búp ?

Một số thuyết cho rằng loài người nguyên thuỷ vốn là loài ăn thực vật, dù thuyết đó đúng hay sai thì những dấu vết loài ăn thực vật vẫn tồn tại trong con người, và đặc biệt, tập tính ăn thực vật vẫn là nhu cầu hàng ngày của chúng ta, khoa học đã chứng minh rất nhiều rằng thể chất và tinh thần sẽ bất ổn nếu khẩu phần ăn thiếu đi nhóm thực vật, trong khi đó khẩu phần ăn không có động vật lại có vẻ hoàn toàn ổn.

Bất cứ loài ăn thực vật nào cũng phải thu hái thành phần có thể nuôi sống mình từ trên cây xuống, quá trình ấy hé lộ cây có khả năng tái sinh phần thân nhánh hoặc búp lá, hoặc hoa quả khi đã bị thu hái đi. Thậm chí, chúng ta dễ dàng quan sát thấy, khi một cành dù nhỏ hay lớn lìa cây, thì ngay tại điểm đứt lìa đó, hoặc tại các nách lá gần đó, hoặc các mầm ngủ gần đó, sẽ nảy sinh mầm mới với số lượng thường là lớn hơn một. Con người đã ứng dụng đặc tính tái sinh đó của thực vật nhằm phục vụ nhu cầu thẩm mỹ và sinh tồn của mình.

 

Cây trà cổ thụ Tà Xùa. Ảnh: bac.do

 

Nhiều bậc thúc bá trong làng cây cảnh hà thành kể rằng, xưa kỹ thuật uốn nắn cây cảnh của hà nội không dùng thép định hình như bây giờ, để chuyển hướng của một cành cây cảnh, người chơi sẽ phải cắt cành, cắt ở đâu thì người cắt phải đủ khả năng phán đoán hoặc điều tiết sinh trưởng để mầm mới nảy đúng vị trí mong muốn và theo hướng trong tạo hình cây, cứ vậy, lặp đi lặp lại rất nhiều chu kỳ mới được một cành cây cảnh uốn lượn và xù xì trông cổ kính đẹp đẽ. phương pháp này có được là nhờ nương vào đặc tính tái sinh của cây cối.

Vẫn từ đặc tính tái sinh của cây cối, chúng ta đã ứng dụng để trồng rất nhiều các loại rau quả cho thu hoạch theo mùa, và đợi nó tái sinh vào mùa mới, hái ngọn bầu đi làm rau, ngọn mới mọc lên, hái rau muống về luộc hay xào, ngọn muống mới mọc lên. Quá nhiều các ví dụ có thể tìm thấy từ các bác nông dân hoặc các bà các chị hàng xén ngoài các chợ cóc ở phố hay chợ quê đều có.

 

Ảnh: Scott Webb, Unflash

 

Hai dạng trong hiện tượng tái sinh ở cây cối

Trong hiện tượng tái sinh ở cây cối, tôi nhận thấy có hai dạng tái sinh

Tái sinh sinh tồn nhằm duy trì nòi giống

Các làng hoa cảnh, ví như nghề trồng quất cảnh, vào khoảng thời gian nằm trong kế hoạch của người trồng, họ sẽ bứng bầu cây, bỏ chăm, đợi cây nảy nụ, trong trường hợp như vậy, cây nảy nụ vô cùng nhiều, số lượng nụ có thể gấp hàng chục lần so với nụ nảy khi cây còn khoẻ mạnh, đây là dạng tái sinh sinh tồn, khi cây nhận tín hiệu ..chết.. chúng ngay lập tức dồn hết sinh lực tập trung vào việc duy trì nòi giống, những loài cây duy trì bằng cách nảy mầm chúng sẽ nảy mầm như các loài xương rồng, loài bằng hạt sẽ nảy hoa như ..cam..quất..bưởi.., loài dùng ngò sẽ đâm nhánh như ..sen..mùng.., rất nhiều ví dụ quanh ta, chỉ cần nhìn sẽ thấy. sau khi cây đã nảy nụ chật cành, chủ vườn sẽ cho đắp lại bầu và chăm sóc với cường độ cao cả về công sức và lượng dưỡng chất bổ sung cho cây, nhằm cây đủ dưỡng chất để nuôi cho lượng quả nhiều bất thường, nó sẽ đào thải nếu thiếu chất, đủ chất chúng sẽ nuôi dưỡng toàn bộ quả đã đậu. tất nhiên các loài luôn có những sự khác thường nằm ở thiểu số.

Tái sinh sinh trưởng để cây trở nên lớn mạnh hơn

Mỗi loài cây, khi cành nhánh gãy xuống, miễn không phải cây đơn thân như ..cau..dừa.. thì hầu như mầm mới sẽ nảy ngay lập tức, hoặc muộn nhất là vào mùa sinh trưởng kế tiếp, những cành nhánh này nếu không bị thường xuyên vặt đi, chúng sẽ hình thành những cành lớn nhỏ, trong đấy có cành trụ và cành nhánh, đây là tái sinh sinh trưởng để cây trở nên lớn mạnh hơn.

Hai dạng tái sinh này có biểu hiện giống nhau, chúng hoán đổi hai trạng thái dựa vào mức độ tác động ngoại cảnh đến sự sống của cây.

 

Ảnh: Mushayev Masrur, Pixabay

 

Trở lại vấn đề vặt búp trà san cổ thụ hàng năm

Ban đầu, chúng ta nhận diện cây này có thể dùng mà không gây hại đến sự sống mình, bằng một lý do ngẫu nhiên nào đấy, ví như đói quá ăn bừa những thứ ngọn non và lá cây trông ngon mắt, và chắc chắn có nhiều sự trả giá trong hành trình tìm đồ ăn thức uống từ tự nhiên khi con người còn hoang dã.

Sau khi nhận diện có thể sử dụng an toàn, thì con người sẽ tách thành phần được lựa chọn khỏi thân cây mẹ để mang về dùng, và ghi nhớ vị trí ấy, để tiếp tục thu hoạch khi cần, sau khi hái, cây tái sinh, búp mới non tơ hơn, lớn khoẻ hơn, và đặc biệt là nhiều hơn.

Con người tiếp tục nhận diện một đặc tính khác ở cây này, cứ hái búp cây sẽ ra búp nhiều hơn, và có vẻ như hàng chục năm không thấy có gì thay đổi, không thấy cây chết.

Theo thời gian dài, việc thu hái này không thấy có vấn đề gì xảy ra, đôi khi có một vài cây chết, nhưng với bạt ngàn cả rừng cây thì một vài cây không thành vấn đề đáng quan tâm.

Cộng đồng người bắt đầu thống nhất cách thức với cây trà, phương pháp đơn lẻ trở thành tập quán của cộng đồng.

Đặc tính kế thừa kinh nghiệm ở con người sẽ duy trì tập quán này trong thời kỳ rất dài cho tới khi nào tập quán phát lộ những nhược điểm, có thể là nhân văn như ảnh hưởng môi trường, mất đi sự đẹp đẽ, có thể là xung đột lợi ích như cây trà chết đi nguồn lợi cũng mất, thì tập quán này bắt đầu bị xét lại, phương pháp mới bắt đầu được đề xuất, quá trình thử nghiệm bắt đầu, sau khi thực chứng, phương pháp tối ưu với cộng đồng trong bối cảnh hiện thời được lựa chọn, khi phương pháp ấy tồn tại đủ lâu trên diện rộng, tập quán mới hình thành, vòng lặp trở lại cho tới khi tập quán mới này lại phát lộ các nhược điểm với bối cảnh xã hội đương thời.

 

Ảnh: Quang Nguyen Vinh, Pixabay

 

Có vẻ như, tập quán với cây trà đến lúc này đang cần phải xét lại, các phương pháp mới cần được đề xuất và thử nghiệm để cộng đồng trong ngành có lựa chọn phù hợp với tình thế và bối cảnh xã hội đương thời.

Tại sao tập quán ..vặt.ngọn.. thường xuyên cần được xét lại, bởi chúng đã bắt đầu phát lộ những nhược điểm ảnh hưởng tới các cây trà di sản, tiến trình phát lộ những nhược điểm này diễn ra trong thời gian rất dài, do đâu lại dài đến vậy, và sự thay đổi ấy là do đặc tính nào của cây cũng như phương pháp ấy đã ảnh hưởng tới sự suy kiệt cây ra sao ?

 

“TRÀ SAN .. khôi phục”, Nguyễn Việt Bắc. Đăng trong bac.do ngày 20 tháng 9 năm 2021. Vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý từ tác giả. 

Lê Ngọc Linh
17/11/2022 - 1:53