Văn hóa- 03/03/2023 - 5 phút đọc

Trà đấu

 

Uống trà cũng là một nghệ thuật có tính cách văn hoá và xã hội. Thời gian uống trà cũng là lúc con người tĩnh tâm, thả hồn vào cõi hư vô, giúp cuộc sống thêm thư giãn và quên bớt phiền não, bon chen của cuộc sống thường nhật. Uống trà còn được nâng lên thành nghi thức cầu kỳ mang đầy tính triết lý…

Theo một chuyên gia nổi tiếng về trà thì môn đấu trà của người Trung Hoa bắt đầu từ đời nhà Tống, sau đó du nhập sang Nhật Bản thành môn đoán Trà. Đấu Trà là một cuộc thi đòi hỏi người chơi phải có kiến thức và sự hiểu biết sâu sắc không những về trà, mà còn phải tinh thông mọi thứ. Đấu trà tại Trung Quốc với tất cả các loại trà, còn đoán trà ở Nhật Bản chỉ với trà xanh mà thôi.

Tại Trung Quốc, mỗi khi xuân về Tết đến, tiết trời ấm áp, không khí êm dịu, làm cho những cây chè bắt đầu trổ lá non mơn mởn, cũng là lúc khắp nơi người ta nô nức mở hội đấu trà. Có hai cách thi đấu, thứ nhất là thi pha trà và thứ hai là thi nhận loại trà. Nói chung thì khi tham gia bất cứ hình thức nào thì thí sinh cũng phải đạt tới mức thượng thừa về trà, mới mong chiến thắng.

Trong cuộc thi trước hết ban giám khảo đưa cho thí sinh xem trước năm mẫu trà. Sau đó bí mật pha chế thành nhiều chén trà để các thí sinh nhắm và đấu với nhau, bình phẩm để phân loại trà theo các loại tùng, trúc, mai, lan, cúc. Tuy nhiên điều quan trọng nhất của cuộc thi vẫn là miêu tả trà qua hương sắc, mùi vị, từ đó cho biết độ lên men, cách sao tẩm, lá chè già non và xuất xứ của trà. Thời xưa trong các cuộc đấu trà, còn có cả phần ngâm thơ, phổ nhạc.

Người Anh cũng nổi tiếng là một trong những dân tộc trên thế giới thích uống trà nhất. Tuy nhiên về cách pha chế và thưởng thức thì người phương Đông sành điệu hơn và đã tạo thành một nền văn hóa trà độc đáo.

Đối với một số người thì việc pha trà là cả một nghệ thuật hay nói đúng hơn đó là thứ đam mê của cả một đời người. Dĩ nhiên đề thỏa mãn cái thú đam mê đó là một sự tốn kém, khi mua sắm các loại trà nổi tiếng cũng như các loại bình, ấm, chén, khay dùng trong việc uống trà rất đắt đỏ. Thật ra thì pha trà đã phổ biến từ đời nhà Tống, do các quan lại trong triều, các nho sĩ và những thương nhân đua tài. Quy luật của cuộc thi rất nghiêm ngặt, nhiều nhà giàu còn dùng cả những chiếc muỗng bằng vàng để khuấy trà. Tại Hồng Kông ngày nay, cuộc thi pha trà thường được bảo trợ và được sự tham dự đông đảo của mọi tầng lớp kể cả học sinh, nhằm mục đích trao đổi sự hiểu biết và các kỹ thuật liên quan tới trà.

Điểm chấm để xếp hạng căn cứ vào 4 yếu tố như hương vị trà, kỹ thuật pha chế, bộ đồ trà và phong độ của thí sinh. Hội đồng giám khảo gồm 10 chuyên gia về trà sẽ đánh giá và chấm điểm cho các thí sinh: Người Hồng Kông đam mê trà thường pha chế theo cách tổng hợp giữa Trung Hoa và Anh. Riêng những người già thì sau khi uống trà xong, họ ăn luôn xác trà gọi là rau đắng.

Ngoài ra người Hồng Kông còn xào lá trà với gừng và hành tươi làm món xúp trà. Tóm lại trà đã trở thành một triết lý sống tại đây và hình thành nhiều câu lạc bộ chuyên về trà với đông đảo hội viên. Nơi đây cũng đã có riêng một nhà bảo tàng chứa đủ tài liệu cùng các vật dụng liên quan tới trà.

VNNAVI

Lê Ngọc Linh
03/03/2023 - 9:08