Con đường xây dựng du lịch nhờ vào chính cây chè
Giữa cơn bĩ cực ấy, có một sự kiện vô cùng đặc biệt, như một bước ngoặt đối với vùng chè lịch sử này: Ngay trong lần đầu Thái Nguyên tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế (năm 2011), “Chè Sông Cầu” góp mặt với “danh phận” là sản phẩm của làng nghề. Và ngay trong lần đầu tiên tái xuất ấy, “Chè Sông Cầu” đã giành giải Búp chè Vàng.
Bấy giờ, bà Vũ Thị Thương Huyền là Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Sông Cầu, phụ trách Trung tâm Học tập cộng đồng của thị trấn. Bà Huyền đã tổ chức những chuyến xe đưa bà con Sông Cầu đến vùng chè Tân Cương ven TP Thái Nguyên học cách canh tác, chế biến chè làm sao để có thể bắt nhịp được với thị trường. Bà con nhận ra, làm chè bây giờ đã khác trước nhiều lắm, nếu cứ ngồi mãi ở Sông Cầu và làm theo cách cũ thì chẳng bao giờ khá lên được.
Đến Tân Cương, bà con đã học từ cách trang bị máy sao chè đời mới, vừa bảo đảm được kỹ thuật, vừa hiện đại, lại giữ được vệ sinh. Những người nông dân khát khao thay đổi ấy còn học cả cách suy nghĩ để lựa chọn cho mình mẫu bao bì riêng, cách quảng bá sản phẩm, rồi cách tìm hiểu thị trường.
Một bước ngoặt nữa là 150 nông hộ tham gia sản xuất chè an toàn. Bà Huyền nhớ chuyện của dăm năm trước, khi mới bắt đầu mô hình, trung tâm cũng vấp phải không ít khó khăn trong vận động. Bà con vẫn lén lút sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy trình. Trung tâm phải chọn những hộ quyết tâm sản xuất chè sạch nhất để làm điểm.
Kết quả là ngay vụ đầu tiên, năng suất của các hộ sản xuất chè an toàn đều tăng đến 30% so với các hộ khác. Giá trị cũng tăng lên rất nhiều: 250 triệu đồng/ha, trong khi canh tác truyền thống của bà con chỉ thu về 106 triệu đồng/ha. Bà con thấy tăng cả về sản lượng lẫn giá bán, thế tự khắc học nhau và bỏ thói quen dùng hóa chất vô tội vạ. Sau đó, các hộ còn giám sát chéo lẫn nhau rồi báo cáo về trung tâm.
Là người nặng lòng với vùng chè quê hương, say mê văn hóa trà và không ít tự hào về vùng chè một thời vang bóng, bà Thương Huyền khi còn làm Phó chủ tịch UBND Thị trấn, còn tổ chức lớp học, mời nghệ nhân trà về nói chuyện. Ngày nghệ nhân Hoàng Anh Sướng từ Hà Nội lên Sông Cầu nói chuyện, bà con thị trấn đến từ rất sớm, hội trường không còn ghế trống.
Bà con chia sẻ: “Kỹ thuật quan trọng nhất. Nhưng nghe những buổi nói chuyện về văn hóa trà như thế này, chúng tôi mới thấy giá trị tinh thần của cây chè quê mình cũng quan trọng không kém”. Thế rồi theo chính đề xuất của bà con, Trung tâm Học tập cộng đồng Thị trấn Sông Cầu đã mời một số nghệ nhân trà nổi tiếng khác đến nói chuyện để kiến thức văn hóa trà của bà con thêm phần phong phú. Bà Huyền xúc động bảo: “Mừng nhất là buổi nào bà con cũng háo hức và tham dự rất đông, lắng nghe và trao đổi nghiêm túc”.
Ngoài những đồi chè, đầu các luống là cây đào cao quá đầu người, tán rộng cỡ cái nong. Chị Thoa, chị Quỳnh… tay thoăn thoắt hái chè, các chị khoe: “Đúng Tết là hoa đào nở thắm đồi chè, lên ảnh đẹp lắm”. Ở quả đồi khác, chị Phương thì kể vợ chồng chị đang tính làm sao để đồi chè gần đường lớn nhà mình thành một điểm check in: Trên cao nhất sẽ dựng lán để khách ngồi nghỉ và thưởng trà, lối lên đồi rải sỏi cuội, mỗi góc đồi trồng xen một loại hoa… Họ tính khi đại dịch Covid-19 qua đi, họ sẽ biến ý tưởng đó thành hiện thực.
Ngoài đồi chè xóm 9, cũng với ý tưởng mỗi nương chè một điểm check in, bà con đã mua những cây giống mẫu đơn về trồng. Cây mẫu đơn càng cắt tỉa cành, hoa càng sai. Bà con vừa có hoa mang ra chợ bán các ngày rằm, mồng một, vừa tỉa bán được những cây mẫu đơn vài năm tuổi. Chỉ riêng tiền bán hoa cúng, bà con khoe mỗi tháng đã có thêm một khoản mấy trăm nghìn đồng.
Rồi Hợp tác xã chè Thịnh An ra đời, cùng sự liên kết của các tổ sản xuất để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ vững chắc. Từ thuần bán chè tươi với giá chỉ 12.000 đồng/kg, bây giờ chè Sông Cầu của bà con, loại chất lượng cao đã có giá lên đến 1.5 triệu đồng/kg. Từ một cô giáo, vì say mê chè mà bà Thanh Hảo đã bỏ nghề để gây dựng và gắn bó với Hợp tác xã chè Thịnh An.
Trời phú hay hồn cốt đất chè đã phú cho bà Hảo cái tài chỉ cần nhấp chén trà đã biết tỷ lệ phối trộn của các loại trà ra sao. Bà cũng là người được tỉnh Thái Nguyên chọn và cử đi quảng bá sản phẩm trà hầu hết các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Mỗi lần thêm một bạn hàng lựa chọn “Chè Sông Cầu” là thêm một lần bà Hảo thấy tự hào khe khẽ.
Bà Huyền, bà Hảo, chị Phương… còn mơ đến ngày hiện thực ý tưởng vùng chè Sông Cầu sẽ trở thành điểm du lịch trải nghiệm, thành phim trường cho những cuộc dã ngoại hay chụp ảnh cưới của các cặp đôi… Có lẽ không ít người khi nghe các ý tưởng đó sẽ cười, cho là viển vông. Song với sự hồi sinh kỳ diệu, đầy ngoạn mục của thương hiệu “Chè Sông Cầu” mà bà con đã làm được và đang từng ngày phát triển; tôi tin, việc Nông trường chè Sông Cầu năm xưa ghi danh vào bản đồ du lịch Thái Nguyên nói riêng và bản đồ du lịch của cả nước nói chung – là một tương lai rất gần.
– nguồn: báo Nhân Dân.