Mùa hè – uống trà gì cho ngọt mát nhất?
Nếu ai yêu thích uống trà vì hương thơm và vị ngọt mát (chứ không phải là gu “tiền chát hậu ngọt”) thì không thể không thích nha bao. Đặc biệt là hương thơm của trà, thanh thuần và tươi mát như một làn gió thơm mùa xuân, góp phần xua tan đi cảm giác nóng bức của một ngày mùa hạ. Uống xong một ngụm nha bao, tưởng tượng như vừa dạo chơi trong một khu vườn mùa xuân với nhiều loài hoa đang đua nở.
Nha bao trà (yabaocha, 芽苞茶) cũng được gọi là điềm nha bao (tiayabao) dịch sát nghĩa là “trà chồi mầm”. Nha bao được làm từ các mầm nách (lateral bud, axillary bud) của cây chè thuộc chủng lá to, như Vân Nam đại diệp chủng, chè rừng hoang dã, hay chè shan tuyết. Mầm nách là mầm dinh dưỡng của cây chè mọc lên từ nách của một lá chè, hoặc từ ngọn của một cành chè đã bị đốn ngang để sinh ra cành mới.
Bình thường, cây chè chủ yếu được trồng để phát triển mầm đỉnh (terminal bud) là những đọt chè xanh non mềm được thu hái để làm trà. Thế nên các mầm nách bị ức chế phát triển và có số lượng rất ít. Chỉ khi nào cây chè bước vào giai đoạn không thu hoạch mà đốn tỉa để kích thích việc phát triển cành và tạo tán thì các mầm nách mới mọc nhiều hơn so với các mầm đỉnh. Ở các cây chè phát triển tự nhiên, mầm nách xuất hiện tự do với số lượng nhiều hơn so với các cây chè được trồng theo cách đốn tỉa.
Mầm nách của cây chè khi còn non gồm nhiều lớp vỏ xếp chồng lên nhau như một búp măng. Người làm trà thu hoạch những “búp măng” rồi phơi mát cho chúng tỏa hương thơm (oxy hóa nhẹ), rồi cuối cùng phơi nắng gắt hoặc sấy nhẹ để chúng hoàn toàn khô. Nha bao được xem là một loại trà trắng (bạch trà).
Người dân vùng Vân Nam ở Trung Quốc khá quen thuộc với nha bao, mặc dù chúng không phải là loại trà phổ thông vì sản lượng thấp và thu hoạch khá tốn công sức. Có ba chủng chè được dùng để làm nha bao; hình thức búp và hương vị của chúng có sự khác biệt nhau. Chủng chè phổ biến nhất chính là đại diệp chủng, hay giống chè Camellia assamica dùng để chế biến trà phổ nhĩ. Giống chè thứ hai là Camellia taliensis, một loại chè hoang dã có búp màu tím đỏ và hương vị khá mạnh. Giống thứ ba và đặc biệt nhất là Camellia crassicolumna, lại không thuộc về loài chè, mặc dù chúng thuộc vào họ chè. Camellia crassicolumna được mô tả là có hương vị giống như loài chè nhưng chúng không chứa caffein.
Là một loại trà quý hiếm ở Trung Quốc chỉ có tại vùng núi Vân Nam, may mắn thay ở Việt Nam, người làm trà cũng có quần thể chè assamica lá to như chè rừng hoang dã, chè shan tuyết ở vùng núi Tây Bắc, đặc biệt ở quần thể chè rừng ở vùng núi Tây Côn Lĩnh. Mặc dù ít người biết đến, nha bao ở Việt Nam vẫn được một số nhà trà thu hoạch và chế biến từ cây chè shan hay chè rừng lâu năm. Người làm trà Việt gọi trà nha bao với nhiều tên gọi khác nhau, từ dân dã như “trà mầm”, “trà búp măng”, “trà măng”, “trà thóc”, cho đến mỹ miều như “trà rồng”, “trà đuôi rồng”, “trà móng rồng”, “bạch trà tiên”.
Nhà trà Thưởng Trà (Tea Crop) cũng là một trong những nhà trà hiếm hoi có làm nha bao ở Việt Nam. Thưởng Trà gọi chúng là “trà thóc tía”. Trà thóc tía của Thưởng Trà cũng có hương vị tốt hơn so với vùng Vân Nam với mùi hương hoa hồng rõ ràng hơn.
Như đã mô tả, nha bao giàu hương hoa, với mùi thơm hoa hồng rõ nét nhất, cùng với các loại hoa trắng của núi rừng khác như hoa lan, dành dành. Ngoài ra, còn có các mùi khác như quả bách tùng, lá thông tùy theo từng loại trà. Cấu trúc mùi hương của nha bao rất phức tạp và khá bền. Nếu nói nha bao là “nước hoa của trà” cũng không có sai.
Nước trà nha bao có vị thơm mát, ngọt nhẹ kèm theo một chút vị béo nhẹ nhàng, cấu trúc không quá lỏng. Vị của nước trà có thể có vị ngọt mát như đường phèn hay nước chanh tùy theo sự cảm nhận và trí tưởng tượng của mỗi người. Hương vị của nước trà nha bao cũng khá bền, và chúng tồn tại lâu trong khoang miệng sau khi uống.
Nha bao cũng là loại trà bền hương vị nên chúng có khả năng thành trưởng và cất giữ lâu năm. Qua thời gian thì hương vị tươi mới của chúng sẽ mất đi và các tông hương vị cũ hơn sẽ phát triển. Sự thay đổi hương vị ở nha bao không theo hướng thoái hóa như đa phần các loại trà khác, mà chúng phát triển những sắc thái hương vị khác biệt thú vị mới theo thời gian, một đặc tính tương tự ở các loại trà như phổ nhĩ sống hay lão bạch trà.
Ở những loại trà mới thu hoạch thì nha bao có hương hoa hồng và các loại hoa trắng nồng và sắc nét hơn, chúng thơm mát theo kiểu rực rỡ và trẻ trung như cô gái xuân thì. Nhưng một vài năm sau, chúng bớt một chút tươi mát mà nhiều thêm một chút trầm ấm của tông gỗ, vỏ quế, mùi trái cây như một người phụ nữ đằm thắm và thuần thục.
Nha bao được là từ các búp mầm của trà nên chúng thường cứng và cuộn khá chặt. Vì vậy, cần dùng nước có nhiệt độ cao để chiết xuất tốt hương vị của chúng, khoảng 95°C. Sau khi pha, nước trà có thể có màu rất trong và nhạt, đôi khi giống như chưa pha gì, nhưng lại chứa hương vị rất nổi bật. Nha bao cũng là loại trà bền nước, có thể pha nhiều lần mà hương vị vẫn khá tốt.
Nha bao có thể pha bằng bất cứ trà cụ nào, nhưng tốt hơn cả vẫn là chén khải (gaiwan) vì cho phép hương thơm của trà tỏa ra nhiều hơn trong không khí. Dùng ly thủy tinh để pha cũng tốt vì có thể dùng uống trà trực tiếp. Cũng có thể dùng cách pha lạnh để chiết xuất nhiều hơn hương thơm và vị ngọt của trà.
Được xem là một loại trà quý hiếm và có giá trị cao, nha bao được ưa thích không chỉ ở hương vị thơm ngon mà còn ở các giá trị dinh dưỡng và tác dụng đối với sức khỏe.
Là loại mầm trà, nha bao chứa rất ít caffein, nhưng lại giàu các flavonoid, axit amin, tinh bột đường. Điều này làm tăng giá trị dinh dưỡng của trà cũng như khả năng chống oxy hóa có lợi cho cơ thể.
Đặc biệt, trà ít chứa caffein nên không có vị đắng chát và không gây mất ngủ. Hương vị trà cũng phù hợp với những người muốn uống trà mà sợ mất ngủ hoặc không thích vị đắng chất, như người uống trà nữ giới, người già hay những người bị kích ứng với caffein hay catechin trong trà. Nhưng cũng có nhiều người uống trà lại không thích trà nha bao vì chúng không có hương vị đặc trưng và vị chát của trà mà họ muốn.
—
Bài viết nằm trong series “Thưởng Trà Du Ký” của tác giả Chi Nguyễn độc quyền dành cho Teacrop.vn