Người châu Âu biết đến trà tương đối muộn, vào khoảng cuối thế kỷ 16. Đầu tiên họ nghe kể về trà qua những câu chuyện từ các linh mục hay thương nhân Bồ Đào Nha trở về từ miền Viễn Á vào thế kỷ 16. Bồ Đào Nha là Đế quốc châu Âu đầu tiên thâm nhập vào Trung Quốc từ năm 1513 thông qua cuộc thám hiểu của Jorge Álvares trong thời kỳ châu Âu chinh phục thế giới qua đường biển (Thời đại Khám phá) từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18.
Vào năm 1557, người Bồ Đào Nha đánh chiếm bán đảo Macau của Trung Quốc và biến chúng thành thuộc địa của một đế quốc châu Âu đầu tiên ở châu Á. Trong hơn một thế kỷ, Macau phát triển mạnh thành thương cảng trung gian của thương mại và truyền giáo giữa Viễn Á và phần còn lại của thế giới. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các giáo sĩ Bồ Đào Nha là những người châu Âu lần đầu tiên tiếp xúc với trà ở Trung Quốc và kể về chúng.
Ví dụ, vào khoảng năm 1556, tu sĩ người Bồ Đào Nha Gaspar da Cruz (1520 – 1570) đã đề cập đến trà trong một bức thư gửi cho vua của mình trong thời gian ông đến Trung Quốc để truyền giáo. Ông kể rằng có một loại thức uống có vị đắng và màu đậm gọi là “cha”, và chúng được những người quý tộc Trung Quốc uống hoặc dùng để mời khách quý.
Nhưng Bồ Đào Nha chưa hẳn là người đầu tiên đem trà đến châu Âu, hay nói chính xác hơn, không thành công trong việc đó. Vào năm 1609, lần đầu tiên một chiếc tàu Bồ Đào Nha mang trà Trung Quốc khởi hành từ Macau đến thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha. Không may thay, do số phận trớ trêu, chiếc tàu đó đã bị đánh cướp bởi người Hà Lan tại eo biển Malacca, bị chuyển hướng đến Amsterdam, biến người Hà Lan thành người đầu tiên đem lá trà đến châu Âu vào năm 1610.
Và những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 17 tiếp sau đó, người Bồ Đào Nha và Hà Lan bắt đầu nhập khẩu cả trà đen và trà xanh từ Trung Quốc và Nhật Bản vào châu Âu từ Macao (thuộc địa Bồ Đào Nha) hoặc từ đảo Java (thuộc địa Hà Lan). Từ đó, trà trở thành thức uống được biết đến ở Hà Lan, Bồ Đào Nha và các nước châu Âu khác.
Tuy vậy, trà không phải là thức uống ngoại lai phổ biến ở châu Âu. Ngược lại, cà phê, được giới thiệu lần đầu ở châu Âu chỉ vài năm sau trà (1615) đã trở thành thức uống được ưa chuộng rộng rãi ở nhiều nước. Trà vốn hiếm và đắt tiền, hầu như chỉ phổ biến ở tầng lớp triều đình và quý tộc.
Vào thời điểm ban đầu, trà xanh còn được coi như một loại thuốc chữa bệnh dùng để chữa các cơn say rượu hay chứng váng đầu, còn trà đen là thức uống để chữa các chứng bệnh mệt mỏi và tiêu hóa.
Ngoại hình chúng khác nhau đến nỗi người châu Âu cho rằng trà xanh và trà đen được làm từ hai giống cây khác nhau: “Thea bohea” là giống cây làm trà đen và “Thea viridis” là giống cây làm trà xanh, trước khi chúng được đính chính lại là cùng được làm từ một loài cây nhưng có phương pháp chế biến khác nhau.
Các nhà trọ và quán rượu ở Hà Lan bắt đầu phục vụ trà vào những năm 1700. Nguồn: lifestyle.livemint.com
Trong một thời gian dài, Bồ Đào Nha kiểm soát hầu hết thương mại của châu Âu với Ấn Độ và Viễn Á, bao gồm cả việc mua bán trà và cà phê. Từ giữa thế kỷ 17, Bồ Đào Nha đã mất đi sức mạnh thương mại vào tay các đế quốc khác đang trỗi dậy mạnh mẽ như Anh hay Hà Lan. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha vẫn được ghi nhận là quốc gia đầu tiên giới thiệu trà đến châu Âu, cũng như góp phần làm cho trà trở thành quốc ẩm của người Anh qua việc công chúa Catherine xứ Braganza Bồ Đào Nha được gả cho vua Charles II của nước Anh.
Nhu cầu vận chuyển trà nhanh chóng và hiệu quả từ Trung Quốc đến châu Âu đã kích thích sự phát triển của ngành hàng hải thế giới. Vào những năm 1840, những chiếc thuyền buồm clipper đã ra đời với tốc độ nhanh hơn để rút ngắn thời gian vận chuyển trà từ 10 – 12 tháng xuống còn 4 – 6 tháng từ Trung Quốc, từ đó hình thành tuyến thương mại trên biển gọi là Tuyến Hải trình Clipper (Clipper Route).
Minh họa một tuyến hải trình clipper của Brouwer trong thế kỷ 19. Nguồn: Wikipedia
Các thuyền buồm cũng kích thích việc chạy đua để giao trà vụ mới sớm nhất đến Luân Đôn, dẫn đến việc ra đời sự kiện “Cuộc Đua Trà Lớn” vào năm 1866 (The Great Tea Race of 1866) khi nhiều con tàu cùng chạy đua để cập cảng Luân Đôn sớm nhất sau khi xuất phát từ Phúc Kiến. Kết quả là con tàu Taeping cập bến đầu tiên sau 99 ngày của hành trình dài hơn 14.000 dặm vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, Ariel cập bến thứ hai sau 28 phút và Serica cập bến thứ ba sau Ariel một giờ 15 phút.
Kỷ nguyên những con tàu clipper chỉ chấm dứt với sự ra đời của các con tàu hơi nước và việc khai thông kênh đào Suez chỉ dành cho loại tàu này vào năm 1869.
Con tàu Ariel và Taeping trong Cuộc Đua Trà Lớn năm 1866. Tranh sơn dầu của Jack Spurling, 1926. Nguồn: Wikipedia
—
Bài viết nằm trong series “Thưởng Trà Du Ký” của tác giả Chi Nguyễn độc quyền dành cho Teacrop.