thumb
Văn hóa- 16/03/2023 - 12 phút đọc

Lược Sử Của Trà (P8): Trà Từ Thời Nhà Thanh Trở Đi

Đến triều đại nhà Thanh, trà Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhất dưới xã hội phong kiến, cũng như chứng kiến nhiều biến cố quan trọng của vận mệnh quốc gia liên quan tới trà.

Dưới thời nhà Thanh, lá trà và dụng cụ uống trà của Trung Quốc đã gần như được hoàn thiện, và nghệ thuật thưởng trà đã đạt đến đỉnh cao. Trong thời này, nhiều kỹ thuật canh tác và sản xuất, chế biến trà đã hoàn chỉnh trên cơ sở kế thừa thành tự từ các thời trước. Việc nắm vững kỹ thuật canh tác cũng như nhu cầu tiêu thụ lớn khiến diện tích canh tác chè không ngừng được mở rộng. Nhiều phương pháp chế biến trà đặc sản đã ra đời vào thời gian này và trở thành chuẩn mực, như phương pháp chế biến trà Tây Hồ Long Tỉnh, Đại Hồng Bào, Hoàng Sơn Mao Phong; các loại bạch trà, hoàng trà, ô long trà.

Các phương pháp sản xuất trà đã được củng cố, chuẩn hóa; và trà được chính thức phân thành 6 loại (lục trà, bạch trà, hoàng trà, thanh trà, hồng trà, hắc trà) như chúng ta biết ngày nay. Trà cũng phân cấp thành nhiều loại, từ thượng phẩm cống trà dành cho triều đình đến các loại trung và hạ phẩm dành cho mọi tầng lớp người dân.

6 Types of Chinese Tea You Have to Try | Expats Holidays

Sáu loại trà Trung Quốc: bạch trà, hoàng trà, lục trà, ô long trà, hồng trà, hắc trà. Nguồn: expatsholidays.com

 

Phương pháp pha trà dùng ấm trà tiếp tục được kế tục. Triều đình và hoàng tộc thì ưa chuộng cách pha trà bằng chén khải (gaiwan) bắt đầu từ thời Ung Chính. Trong dân gian thì dùng cách pha trà bằng ấm trà là chính. Đồ uống trà làm bằng sứ Cảnh Đức Trấn, đất tử sa Nghi Hưng được cả triều đình và dân chúng ưa chuộng, khiến cho việc sản xuất và buôn bán đồ pha trà bằng gốm sứ trở nên nhộn nhịp. Các trà quán được mở ra ở nhiều nơi, trở thành địa điểm giao tiếp và giải trí ưa thích của người dân, thậm chí còn dùng làm nơi bàn chuyện buôn bán làm ăn, hay phân xử những tranh chấp trong đời sống hàng ngày.

Ở các vùng Quảng Đông và Phúc Kiến, phương pháp làm trà ô long càng được củng cố và trở thành tiêu chuẩn để sản xuất các loại ô long sau này. Cách thức làm trà vốn tỉ mỉ và mất thời gian, do đó được gọi là “công phu”, và tương tự, phương pháp pha trà cẩn thận, trải qua nhiều công đoạn cũng được gọi là “công phu trà”, hình thành nên “công phu trà đạo”, nền tảng của nghệ thuật trà đạo Trung Hoa hiện đại. Nhiều dụng cụ pha trà được sử dụng để làm nổi bật sự quyến rũ của trà, tập trung vào làm nổi bật “hương” và tạo thuận lợi cho việc thưởng thức “vị” của thứ thức uống thơm ngon này.

Minh họa người dân vùng Quảng Đông – Phúc Kiến thưởng thức trà công phu. Nguồn: internet

 

Sự phát triển sâu sắc của văn hóa trà ở thời nhà Thanh cũng được thể hiện rõ nét qua sự phổ biến và truyền bá phong tục uống trà ở nhiều nơi, hình thành nên văn hóa uống trà phong phú với nhiều hoàn cảnh (trà hàng ngày, trà đãi khách, cúng tế, cầu hôn, lễ hội) và đa dạng ở nhiều vùng miền khác nhau (Tây Bắc, Đông Bắc, Vân Nam, Bắc Kinh, Chiết Giang, Quảng Châu, Phúc Kiến) bao trùm nhiều mặt của đời sống xã hội.

Thương nghiệp về trà cũng trở nên toàn thịnh, trà là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của triều đình nhà Thanh ra nước ngoài, kèm theo đó là các loại ấm chén trà bằng đất tử sa Nghi Hưng, gốm sứ Cảnh Đức Trấn. Trung Quốc trở thành nước duy nhất xuất khẩu trà cho nhu cầu tiêu dùng ở khắp Trung Đông, Châu Âu, Châu Mỹ. Trà Trung Quốc đã độc quyền thống trị thị trường trà thế giới trong suốt 3 thế kỷ, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, trước khi có sự tham gia của Ấn Độ thuộc Anh cũng như các nước thuộc địa đế quốc châu Âu khác.

Vào nửa sau của thế kỷ 19, nhà Thanh dần dần suy yếu và đánh mất vị thế chủ đạo của mình trong quan hệ với các nước châu Âu. Nhu cầu lớn về trà tại châu Âu đã dẫn đến việc các nước này tìm cách can thiệp sâu rộng hơn vào Trung Quốc nhằm phá vỡ thế độc quyền trà của Trung Quốc và đạt được những thỏa thuận có lợi hơn cho các nước phương Tây.

 

First Opium War Begins Near Canton | History On This Day

Hình ảnh các tàu chiến của Công ty Đông Ấn Anh bắn trả một cuộc phong tỏa của Trung Quốc tại cửa sông Châu Giang tại Hồng Kông, vào ngày 03/11/1839, sự kiện châm ngòi cho cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất. Nguồn: Wikipedia

 

Là nhà cung cấp độc quyền và nắm vai trò quyết định, triều đình nhà Thanh chỉ chấp nhận việc dùng bạc để trả tiền trà, và chỉ chấp nhận thương mại trà qua hải cảng duy nhất là Cantoon (Quảng Châu) với phương Tây. Việc thiếu bạc mua trà dẫn đến việc Anh quốc đẩy mạnh sản xuất thuốc phiện tại Ấn Độ để bán cho Trung Quốc đổi lấy bạc mua trà. Khi nhà Thanh nhận thấy tác hại của thuốc phiện và ra lệnh cấm, dẫn đến việc Anh quốc tiến hành các cuộc xung đột vũ trang – mà sau này được gọi là các cuộc Chiến tranh Nha phiến (1840 – 1843, 1856 – 1860) – đẩy Trung Quốc vào thế thua cuộc và phải chấp nhận nhiều điều kiện bất bình đẳng, trong đó có việc nhượng lại Hồng Kông cho Anh trong hơn 100 năm. Sự kiện này góp phần châm ngòi cho các cuộc khởi nghĩa trong nước dẫn đến việc sụp đổ của triều đại nhà Thanh sau cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) và sự ra đời của nhà nước cộng hòa (Trung Hoa Dân Quốc, 1912).

 

Robert Fortune: The tea spy, and the most profitable heist ever - Malevus

Robert Fortune, nhà thực vật học người Scotland thế kỷ 19, người đã thành công đánh cắp cây chè và công nghệ sản xuất trà từ Trung Quốc mang đến Ấn Độ cho đế quốc Anh, từ đó phá vỡ thế độc quyền canh tác và sản xuất trà của Trung Quốc.

Vào năm 1851, đế quốc Anh lại thành công trong việc đánh cắp cây giống và công nghệ chế biến trà từ Trung Quốc mang đến Ấn Độ, chính thức phá vỡ thế độc quyền cung ứng trà của Trung Quốc và Anh quốc (với Ấn Độ thuộc địa là nơi sản xuất trà) trở thành nhà cung cấp trà lớn nhất của thế giới trong suốt thế kỷ 20.

 

TRÀ THỜI TRUNG HOA HIỆN ĐẠI

Bước vào thời kỳ hiện đại, ở thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc (1912 – 1949), trà được quan tâm phát triển hơn nữa như một nguồn xuất khẩu quan trọng. Tuy nhiên trong thời kỳ kháng Nhật và nội chiến sau đó, do chiến loạn và biến động chính trị xã hội, ngành trà xuống dốc, sản xuất đình trệ, Trung Quốc không còn là cường quốc trà trên thế giới.

Đến thời kỳ Trung Quốc mới (CHND Trung Hoa được thành lập từ 1949), ngành trà trải qua một thời kỳ hồi phục ngắn trước khi cuộc Cách mạng Văn hóa (1966 – 1976) diễn ra. Trong thời kỳ này, nghệ thuật thưởng trà được coi là biểu hiện của cái xấu, cái cũ cần được bài trừ, nên thói quen uống trà bị bài xích nghiêm trọng. Sản xuất trà từ đó mà tuột dốc thê thảm. Thay vào đó, các nơi khác như Hồng Kông, Đài Loan – nghệ thuật thưởng trà và nông nghiệp trà trở nên phát triển mạnh mẽ.

Phải từ đầu thập kỷ 80 trở đi, những thay đổi về chính trị ở Trung Quốc tạo điều kiện cởi trói cho nền kinh tế, ngành trà Trung Quốc bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, như gia tăng diện tích trồng chè, khôi phục sản xuất tại nhiều vùng chè danh tiếng, làm sống lại nhiều phương pháp chế biến trà đã thất truyền, đẩy mạnh năng lực sản xuất, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học vào canh tác và chế biến trà, khiến cho nền nông nghiệp trà trở nên ổn định và phát triển. Văn hóa trà càng ngày càng được củng cố và lan truyền, giá trị của trà được đề cao. Về phương diện xuất khẩu, Trung Quốc đã hồi phục và gia tăng sản lượng để tìm lại vị thế của mình, trở thành nước xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới. Từ năm 2005, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Ấn Độ để tìm lại vị trí đứng đầu thế giới của mình về sản xuất và xuất khẩu trà.

Bài viết nằm trong series “Thưởng Trà Du Ký” của tác giả Chi Nguyễn độc quyền dành cho Teacrop.

Nguyễn Calvin
16/03/2023 - 10:12