Dưới thời nhà Tống, Thiền tông trở thành tông phái Phật giáo lớn nhất và có mối quan hệ sâu rộng với chính quyền. Đạo giáo cũng trở thành tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt đối với tầng lớp tu sĩ muốn tu tiên để cầu trường sinh. Cả hai tôn giáo này đều coi trọng trà, vì thế vai trò và tầm quan trọng của trà cũng được mở rộng. Lượng người uống trà dưới thời nhà Tống tăng lên nhanh chóng. Trà cũng trở thành một loại thức uống chính thức của xã hội.
Vương An Thạch – vị tể tướng và học giả nổi tiếng của Bắc Tống trong “Luận Trà Pháp” đã viết: “Việc dùng trà cũng như gạo và muối, không thể một ngày mà không có”. Tuy vậy, trà vẫn là thức uống đắt tiền giữa các tầng lớp thượng lưu như quý tộc, quan lại, nho sỹ và những người giàu có trong xã hội chứ chưa phổ biến đến mọi tầng lớp người dân.
Khi pha trà, người uống đem bánh trà ra nướng trên lửa cho nở ra, bẻ vụn và dùng cối đá nghiền nhỏ, rây mịn rồi cho bột trà vào bát lớn, thêm nước nóng, rồi dùng chổi trà đánh lên nhiều lần cho trà tan đều và hình thành lớp bọt mịn trên bề mặt. Việc cho muối vào trà cũng bị loại bỏ, nhằm đảm bảo màu sắc và hương vị nguyên thủy. Phía trên mặt lớp bọt, thường được trang trí thành các hình vẽ đẹp mắt được thao tác bằng một cây tăm nhọn. Cách pha trà này gọi là điểm trà pháp, tức là “đánh trà”.
Minh họa cách pha trà “Điểm trà pháp”. Nguồn: vitomag.com
Điểm trà pháp trong bộ phim Mộng Hoa Lục (2022). Nguồn: Youtube
“Điểm trà” cũng trở thành một trong bốn thú vui sinh hoạt tao nhã (tứ nhã) của giới văn nhân sĩ phu được người đương thời đề cao, gồm có “điểm trà, phần hương, tháp hoa, quải họa” (pha trà, đốt hương, cắm hoa, treo tranh).
Vào thời Tống, việc đấu trà trở nên thịnh hành. “Đấu trà” là việc thi thố pha trà nhằm định ra các loại trà có chất lượng tốt nhất để cống nạp vào hoàng cung. Trà được nghiền thành bột cho vào bát và dùng chổi trà đánh cho bông lên, thành thứ nước trà có màu trắng sữa và có một lớp bọt mịn trên bề mặt. Nếu lớp bọt có màu trắng, dày mịn và lâu tan chúng tỏ là thứ trà tốt.
Đấu trà cũng dẫn đến việc thịnh hành sử dụng các loại bát trà gốm men ngọc màu đen (hắc dứu từ) như loại bát trà Kiến trản (Kiến Dương diêu) nhằm làm nổi bật màu lớp bọt trà để dễ quan sát và đánh giá.
Tranh vẽ lại của bức họa “Mính Viên Đổ Thị Đồ” – Lưu Tùng Niên (nhà Tống). Tranh gốc hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. Nguồn: sohu.com
Cũng dưới thời nhà Nam Tống, điểm trà pháp được các thiền sư người Nhật du nhập về nước và phát triển thành lối uống matcha (mạt trà) – cốt lõi của nghệ thuật trà đạo Nhật Bản sau này.
—
Bài viết nằm trong series “Thưởng Trà Du Ký” của tác giả Chi Nguyễn độc quyền dành cho Teacrop.