thumb
Văn hóa- 16/03/2023 - 5 phút đọc

Lược Sử Của Trà (P2): Các Truyền Thuyết Của Người Trung Hoa

Người Trung Hoa vốn có truyền thống sáng tạo ra các truyền thuyết để giải thích nguồn gốc của nhiều sự vật – hiện tượng trong đời sống văn hóa xã hội của họ, và trà cũng nằm trong số đó.

Truyền thuyết phổ biến nhất về trà là về Thần Nông. Thần Nông (Viêm Đế) là vị thần trong dã sử, xuất hiện trong thời kỳ văn minh Hoa Hạ thời cổ đại, sống vào khoảng năm 2700 trước Công nguyên, được xem là vị thần đã dạy cho người Trung Hoa nghề làm nông, làm gốm, dệt vải, sử dụng lửa, đun sôi nước để uống, dùng thảo dược làm thuốc chữa bệnh. Thần Nông được người Trung Hoa tôn là thủy tổ của nghề nông nghiệp, y dược, ẩm thực. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng xem Thần Nông là thủy tổ của người Việt.

Thần Nông đang thử trăm loại bạch thảo. Tranh thời Minh. Nguồn: Wikipedia

Thần Nông có tướng mạo kỳ dị, mình người, đầu bò, thân hình gầy gò, cơ thể trong suốt (linh lung ngọc thể) có thể thấy được nội tạng bên trong. Để tìm ra thuốc chữa bệnh cho người dân, thần tự mình nếm thử đủ loài thảo dược. Cái bụng trong suốt không những giúp thần có thể quan sát tác dụng của thảo dược đối với cơ thể, mà còn kịp thời giải độc.

Trong tác phẩm “Thần Nông Bản Thảo Kinh” thời Hán có chép, “Thần Nông nếm thử trăm loại thảo mộc, một ngày gặp 72 loại độc, nhờ có trà mà giải được” (Thần Nông thường bách thảo, nhật ngộ thất thập nhị độc, đắc trà nhi giải chi). Tương truyền lúc Thần Nông đang nếm thử trăm loại thảo mộc và cây thuốc, đến hạt kim lục sắc thì trúng độc, vừa hay ngã ngay dưới gốc cây trà, giọt sương trên một chiếc lá rơi vào miệng giúp ngài tỉnh lại. Từ đó, ngài đã phát hiện ra đặc tính giải độc của cây trà.

Một câu chuyện khác về Thần Nông thì lại thuyết rằng, một ngày nọ, trên đường tìm thuốc, Thần Nông ngồi nghỉ mệt dưới một gốc cây. Khi thần đang nấu nước để uống thì có một loài lá cây lạ mang mùi thơm rơi vào ấm nước. Thần uống thử thứ nước đó thì thấy hết khát, thân thể khỏe khoắn, tinh thần sảng khoái. Thấy vậy, thần bèn truyền dạy dân chúng nấu loài lá cây đó lên để uống. Đó chính là cây trà, và từ đó tục uống trà ra đời.

Bồ Đề Đạt Ma diện bích. Nguồn: internet

Một huyền thoại khác của người Hoa Nam (dân tộc cổ đại ở vùng phía nam sông Trường Giang) thì cho rằng phong tục uống trà của người Trung Quốc khởi thủy từ Bồ Đề Đạt Ma, thủy tổ của Phật giáo Thiền tông, người đã truyền Phật giáo Ấn Độ vào miền nam Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ 6. Nhờ uống nước trà mà ngài có thể thức suốt mấy năm ngồi thiền quay mặt vào vách đá (diện bích) mà quán tưởng công án.

Xung quanh truyền thuyết này, người ta kể rằng đến năm diện bích thứ ba thì có lần Bồ Đề Đạt Ma đã kiệt sức và ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, ngài liền cắt hai mí mắt của mình vứt xuống đất. Từ nơi đó đã mọc lên một loài cây có tên là cây trà. Bồ Đề Đạt Ma lấy lá cây nấu lên uống thì không còn mệt mỏi, buồn ngủ nữa. Từ đó ngài có thể thức suốt chín năm để diện bích. Thuyết này cũng rất phổ biến ở Nhật Bản vì Thiền tông được xem là quốc giáo của Nhật Bản, bên cạnh tín ngưỡng tự nhiên là Thần đạo.

Bài viết nằm trong series “Thưởng Trà Du Ký” của tác giả Chi Nguyễn độc quyền dành cho Teacrop.vn

Nguyễn Calvin
16/03/2023 - 1:29