thumb
Văn hóa- 16/03/2023 - 15 phút đọc

Lược Sử Của Trà (P10): Trà Đến Nước Anh

Nước Anh không phải là quốc gia châu Âu đầu tiên biết đến trà, tuy vậy trong số các nước châu Âu thì Anh quốc là nơi trà đã bén rễ vững chắc và tạo lập vị trí đặc biệt hơn cả so với các nước châu Âu còn lại. Ban đầu là thức uống của tầng lớp thượng lưu, trải qua 200 năm, trà dần dần lan rộng đến mọi tầng lớp, trở thành thức uống hàng ngày không thể thiếu của người dân.

Từng là một biểu tượng cai trị của thực dân Anh, trà ngày nay được coi là một phần của bản sắc truyền thống, một đặc điểm văn hóa và xã hội nổi bật của quốc gia này.

Hoàng hậu Catherine xứ Braganza

Năm 1662, công chúa Bồ Đào Nha là Catherine xứ Braganza (Catarina de Bragança, 1638 – 1705) kết hôn với vua Charles II (1630 – 1685) và trở thành hoàng hậu của vương quốc Anh từ năm 1662 đến 1685. Bà là người thích uống trà và người ta kể rằng, khi đến làm dâu xứ Anh, một trong những món hồi môn của bà là một chiếc rương chất đầy trà Trung Quốc.

Catherine không phải là người đầu tiên mang trà đến với nước Anh, nhưng là người đầu tiên mang thói uống trà đến với hoàng gia Anh và biến chúng thành mốt thời thượng trong triều đình và giới quý tộc Anh quốc. Giới thượng lưu Anh quốc tại thời điểm đó rất được ngưỡng mộ và người dân thì luôn khao khát bắt chước tầng lớp cao sang quyền quý. Do đó, mốt uống trà ngày càng được người dân bắt chước theo.

Catarina de Bragança – Wikipédia, a enciclopédia livre

Catarina de Bragança, tranh của Peter Lely (1618-80). Nguồn: Wikipedia

Một lý do chính khác là nhờ vào nguồn cung cấp đường mía dồi dào từ vùng Ca-ri-bê, người Anh đã sớm nghĩ ra cách cho đường và sữa tươi vào trà, biến chúng thành thức uống có mùi vị thơm ngon, dễ uống hơn. Cùng với việc lượng trà nhập khẩu vào Anh ngày càng gia tăng và giá càng rẻ nhờ vào vị thế thương mại của Công ty Đông Ấn Anh, người dân Anh đã chính thức trở thành một dân tộc cuồng nhiệt vì trà.

Công ty Đông Ấn Anh

Vào cuối năm 1600, Nữ hoàng Elizabeth I đã ban hành một điều luật ban quyền cho các thương nhân Anh Quốc được độc quyền thương mại với Viễn Đông (gồm Ấn Độ và các nước vùng Viễn Á) nhằm gia tăng vị thế của nước Anh trên thị trường thương mại thế giới.

Vào thời hoàng kim, Công ty Đông Ấn Anh không chỉ độc quyền thương mại của Anh với Viễn Đông, mà còn chịu trách nhiệm đại diện cho triều đình Anh cai trị phần lớn tiểu lục địa Ấn Độ rộng lớn. Cả hai yếu tố này đều có nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc quyết định lịch sử phát triển tiếp theo của trà.

Vào khoảng năm 1650, trà được Công ty Đông Ấn nhập khẩu vào Anh, chỉ một vài năm sau khi cà phê vào quốc gia này. Ban đầu, trà còn được coi là một loại thuốc chữa bệnh có thể trị các triệu chứng như say rượu, đau đầu, cảm lạnh, suy nhược, và chúng được bán trong các tiệm thuốc với giá đắt đỏ. Về sau, trà được bán tại các quán cà phê như một thức uống mới lạ.

undefined

Quán cà phê Garraway’s Coffee House ở Luân Đôn, năm 1873. Nguồn: Wikipedia

Một trong những quán cà phê có bán trà đầu tiên vào năm 1657 là Garraway’s Coffee House của Thomas Garway. Garway đã quảng cáo về trà như thức uống “làm cho cơ thể năng động và ham muốn” hay “giữ sức khỏe hoàn hảo ổn định đến khi tuổi già”. Cho đến năm 1700 thì đã có hơn 500 quán cà phê có bán trà ở Luân Đôn.

Quang cảnh thường thấy là các chủ doanh nghiệp, thương nhân hay các chính trị gia sẽ gặp gỡ tại quá cà phê, thưởng thức một ấm trà Trung Hoa, và bàn luận việc làm ăn hoặc các sự kiện xã hội trong ngày. Đến năm 1706 thì một thương gia khác là Thomas Twining đã mua lại tiệm cà phê ở 216 phố Strand, Luân Đôn và bắt đầu bán trà dưới thương hiệu “Twinings” tại đây. Ngày nay địa chỉ này đã trở thành bảo tàng của thương hiệu trà danh tiếng này.

Công ty Đông Ấn cũng tiến hành các nỗ lực phá vỡ thế độc quyền sản xuất và cung cấp trà của Trung Quốc, và cuối cùng đã thành công trong việc đưa ngành sản xuất trà đến tiểu lục địa Ấn Độ thuộc địa (bao gồm Ấn Độ và một phần Sri Lanka ngày nay).  Với việc tự mình sản xuất và kinh doanh trà (thông qua Công ty Đông Ấn), đế quốc Anh đã vượt mặt Trung Quốc, trở thành tay chơi lớn nhất trên thị trường thương mại trà của thế giới.

Trong giai đoạn của thế kỷ 18 – 19 tiếp theo, trà như một cơn bão đã càn quét nước Anh, trở thành thức uống hàng ngày không thể thiếu của mọi tầng lớp trong xã hội. Người Anh uống trà ngày càng nhiều và lượng trà nhập khẩu và tiêu thụ ngày càng gia tăng, kèm theo đó là sự gia tăng về lượng đường mía và sữa tươi.

Theo một báo cáo, vào những năm 1650, chỉ có vài trăm cân Anh trà được nhập khẩu vào Anh. Tuy nhiên, đến năm 1717, số lượng đó đã lên tới gần 200.000 cân, và đến năm 1750 thì lượng trà nhập khẩu hàng năm đã lên tới gần 4.8 triệu cân.

Dưới thời nữ hoàng Victoria trị vì (1837 – 1910), trung bình mỗi gia đình ở Anh chi tới 5% ngân sách cho trà. Trà có pha đường hoặc sữa đã trở thành thức uống cung cấp năng lượng cho tầng lớp công nhân dưới thời Cách mạng Công nghiệp ở Anh (thế kỷ 18 – 19); trong khi nguồn thu thuế từ trà tài trợ đáng kể cho quá trình công nghiệp hóa này. Thương mại về trà phát triển mạnh đến nỗi đã góp phần tạo ra vị thế trung tâm của Đế quốc Anh trên thị trường thương mại thế giới, trong khi thuế trà chiếm tới 10% nguồn thu ngân sách mỗi năm.

Các nữ công nhân Anh uống trà trong giờ nghỉ giải lao, thời kỳ Đại Cách mạng Công nghiệp. Nguồn: internet

Nạn buôn lậu trà ở Anh

Khi trà trở nên phổ biến ở Anh, vấn đề xẩy ra là càng nhiều người uống trà và do đó ít uống bia hay rượu gin hơn, làm cho nguồn thu thuế rượu bia đã bị giảm sút nghiêm trọng. Để ngăn ngừa tình trạng thất thu thuế rượu bia, vua Charles II đã ra đạo luật đánh thuế cao đối với trà vào năm 1676, và bắt buộc các cửa hàng bán trà phải xin giấy phép.

Công ty Đông Ấn Anh, do mức thuế trà cao và vị thế độc quyền kinh doanh của mình, đã đẩy giá trà lên cao một cách phi lý trong khi độc quyền sản lượng cung ứng, làm cho trà trở nên đắt đỏ và khan hiếm giả tạo trên thị trường, trong khi vẫn chất hàng đống trong các kho chứa. Điều này đã thúc đẩy một hoạt động thương mại bất hợp pháp khác diễn ra: nạn buôn lậu trà ở nước Anh. Nhiều Công ty Đông Ấn của các nước khác như Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, Đan Mạch (và ngay cả nhiều con tàu của chính Công ty Đông Ấn Anh) đã trở thành nguồn cung cấp trà cho những tay buôn lậu người Anh, những kẻ rất háo hức bán trà với giá rẻ hơn đến tầng lớp trung lưu và hạ lưu. Và kết quả là nạn buôn lậu trà ở Anh trở nên phổ biến đến nỗi sản lượng tiêu thụ của trà nhập lậu đã nhanh chóng gấp nhiều lần so với sản lượng hợp pháp.

Những tay buôn lậu trà. Tranh của John Atkinson, năm 1808. Nguồn:  Wikipedia

Đến những năm 1770, lượng hàng trà tồn kho của Công ty Đông Ấn Anh trở nên quá lớn vì không bán được và lợi nhuận bị giảm sút nghiêm trọng, công ty ngày càng phải gánh vác các khoản nợ chồng chất. Để cứu mình ra khỏi tình trạng phá sản, Công ty Đông Ấn đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Anh để độc quyền bán trà tại nước Mỹ, với giá thuế trà thu tại Mỹ chỉ 03 xu trên mỗi cân Anh nhằm giải tỏa lượng trà tồn kho quá lớn. Tuy nhiên, chính điều này đã dẫn đến một loạt sự biến mà chính quyền Anh không hề ngờ tới, đó là sự kiện “Đảng trà Boston” (Boston Tea Party) diễn ra năm 1773, góp phần dẫn đến cuộc cách mạng giành độc lập của các bang thuộc địa Mỹ bùng nổ vào năm 1775.

Tại nước Anh, để giải quyết tình trạng buôn lậu trà, chính quyền đã phải ra Đạo luật Hoán giảm 1784 (Commutation Act of 1784) để giảm thuế trà từ 119% xuống còn 12.5%, chấm dứt 100 năm thuế trà cao vô lý. Đạo luật này cũng cho phép dùng thuốc phiện trồng ở Ấn Độ đổi lấy trà mua từ Trung Quốc để bán ở thị trường nội địa Anh quốc.

Trà chiều kiểu Anh

Trà chiều kiểu Anh (English Afternoon Tea) là một tiệc trà nhẹ từ 3:30 chiều đến 5 giờ chiều, với các loại đồ ăn nhẹ, chủ yếu là bánh ngọt (bánh ngọt, bánh tart, bánh mì kẹp, bánh mì nướng ăn với bơ trộn gia vị hoặc mứt cam, vv.) dùng với những tách trà đen pha đường hoặc sữa tươi.

Anna Russell Nữ công tước xứ Bedford (1783 – 1857), phu nhân hầu cận (lady-in-waiting) của nữ hoàng Victoria Đệ nhất (1819 – 1901) được xem là người đã khởi đầu tiệc trà nhẹ này, trong thời gian bà viếng thăm lâu đài Belvoir ở Leicestershire vào những năm 1840.

Vào thời kỳ này, thường giới quý tộc ăn sáng muộn vào lúc 9 – 11 giờ sáng và bữa ăn tiếp theo là bữa tối lúc 8 – 9 giờ tối. Để dằn bụng giữa hai bữa ăn quá cách xa nhau, nữ công tước đã tổ chức một bữa uống trà cùng với đồ ăn nhẹ vào giữa giờ chiều. Thói quen này đã nhanh chóng lan rộng trong giới quý tộc Anh quốc, và người ta đồn rằng chính nữ hoàng Victoria cũng đã tổ chức những buổi trà chiều tương tự với những người phu nhân hầu cận của bà.

Afternoon Tea in 18th Century England

Tranh vẽ một tiệc trà chiều. Nguồn: internet

Đến cuối thế kỷ 19, trà chiều đã trở thành một thói quen không chỉ trong giới quý tộc mà còn tầng lớp trung lưu, và sau đó trở nên phổ biến, trở thành một đặc trưng của nền văn hóa trà của Anh, và được thực hành ở nhiều nước khác trên thế giới. Tiệc trà chiều cũng gọi là “low tea” vì chúng được phục vụ trên các bàn thấp.

Bữa trà mặn

Một hình thức uống trà khác là “high tea” (bữa trà mặn), bắt nguồn từ giới công nhân lao động phía bắc nước Anh và vùng Scotland. Gọi là high tea vì trà được phục vụ trên bàn ăn hay quầy cao với các món ăn tối.

Bữa trà mặn diễn ra trong khoảng 5 – 7 giờ tối sau thời gian làm việc, với trà đen nóng và các món ăn mặn như bít tết, bánh nướng đút lò, cá nướng, salad rau củ, thịt hầm phó mát. Đây cũng là một hình thức thay cho bữa tối và thường được bán trong các quán ăn. Bữa trà mặn bắt đầu trong giai đoạn cuộc Đại Cách mạng Công nghiệp nổ ra ở Anh, và ngày nay vẫn được thực hành.

Buổi trà mặn trong một gia đình. Nguồn: internet.

Bài viết nằm trong series “Thưởng Trà Du Ký” của tác giả Chi Nguyễn độc quyền dành cho Teacrop.

Nguyễn Calvin
16/03/2023 - 11:21