thumb
Văn hóa- 16/03/2023 - 9 phút đọc

Lược Sử Của Trà (P1): Nguồn Gốc Sinh Học

Trà là thức uống độc quyền của người Trung Hoa trong một thời gian dài trước khi chúng được lan truyền đến phần còn lại của châu lục và thế giới. Nhiều thuyết cho rằng người Hoa Hạ cổ đại (tổ tiên của người Hán) đã uống trà ít nhất là từ thời nhà Chu vào khoảng hơn 1.000 năm trước Công nguyên, do đó, người Trung Hoa quan niệm rằng tổ tiên họ đã phát minh ra trà, và vùng đất Tứ Xuyên (đất Ba, Thục xưa) là nơi đã sinh ra trà sớm nhất trong lịch sử.

Tuy vậy, nhiều quan điểm đồng tình với giải thiết cho rằng lịch sử của trà bắt nguồn từ vùng dân tộc thiểu số phía tây nam Trung Quốc, sau đó mới truyền vào khu vực tây bắc, và đông nam. Sau khi được Hán hóa ở phương nam, trà lại được truyền lên vùng phía đông và đông bắc. Điều này phù hợp hơn với các nghiên cứu hiện đại về nguồn gốc sinh học của cây chè.

Ngay cả trong “Trà Kinh” thời Đường, học giả Lục Vũ cũng viết “Cây trà là loài cây của phương nam” (Trà giả nam phương chi gia mộc dã), chứng tỏ trà có ở “phương nam” trước khi chúng được truyền lên phía bắc đến với kinh đô Trường An – trung tâm chính trị của triều Đường.

Ngày nay, các nhà khoa học nghiên cứu nguồn gốc sinh học của cây chè nghiêng về hướng công nhận khu vực phía bắc của vùng sinh quyển Indo-Burma, cụ thể là khu vực bao gồm Tây Nam Trung Quốc (bao gồm cả vùng núi Tây Bắc của Việt Nam về mặt địa lý) – Bắc Myanmar – Đông Bắc Ấn Độ ngày nay là vùng đất nguồn cội của cây chè, từ đó tập tục uống trà có thể xuất hiện ở khu vực này sớm nhất trong lịch sử. Như vậy, trà xuất phát từ những vùng dân tộc miền núi ở phía tây nam của đại lục, rồi về sau mới truyền đến các khu vực khác ở Trung Quốc.

Vùng đất Vân Nam là nơi có những cây trà cổ thụ có tuổi đời cao nhất thế giới. Cao tuổi nhất là cây “Cẩm Tú Trà Vương” (锦绣茶王) ở thôn Hương Trúc Tinh, huyện Phượng Khánh được cho là đã 3.200 tuổi. Với tuổi đời dài như vậy, cây trà phải bắt đầu sinh trưởng dưới thời nhà Thương (1766 – 1122 TCN). Điều thú vị hơn là chúng không phải là cây trà nguyên sinh (mọc tự nhiên) mà là do con người trồng lên. Chứng tỏ tại thời điểm đó, người dân cổ đại ở vùng Vân Nam đã biết trồng trà.

Cây trà "Cẩm Tú Trà Vương" đã 3.200 tuổi. Nguồn: new.qq.com

Cây trà Cẩm Tú Trà Vương ở Vân Nam có tuổi thọ 3.200 năm. Nguồn: new.qq.com

Vùng đất Vân Nam có lịch sử độc lập từ lâu đời. Dưới thời kỳ đồ đá mới, nơi đây đã có sự định cư của con người xung quanh khu vực hồ Điền Trì tại Côn Minh ngày nay. Dưới thời Chiến Quốc, vào khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên, nơi đây là nước Điền (Điền Quốc, 277 – 115 TCN). Người Hán chiếm vùng đất này và sát nhập vào lãnh thổ nhà Hán dưới thời Hán Vũ Đế vào khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên.

Dưới thời Tam Quốc, khi triều đình trung ương tan rã thì nơi đây trở thành vùng đất tự trị. Đến thế kỷ 4, Thoán Sâm – thủ lĩnh thị tộc Thoán ở Vân Nam tự xưng làm vua Điền Trì (khi đó gọi là Côn Xuyên) và tuyên bố độc lập trong hơn 400 năm. Đến năm 738, Bì La – thủ lĩnh của chiếu (bộ tộc) Mông Xá đã thành lập vương quốc Nam Chiếu, đóng đô tại thành Thái Hòa (nay là Đại Lý). Vương quốc Nam Chiếu tồn tại từ năm 738 đến 902 (tương đương với thời đại nhà Đường).

Sau đó, vào năm 937, thủ lĩnh bộ tộc người Bạch là Đoàn Tư Bình đã đánh bại các thị tộc khác và lập nên Vương quốc Đại Lý tồn tại từ năm 937 – 1253 (tương đương với thời nhà Tống). Lãnh thổ của vương quốc Đại Lý khi đó bao gồm các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Tây Nam Tứ Xuyên, Bắc Miến Điện, Bắc Lào và một phần vùng Tây Bắc Việt Nam ngày nay.

Vương quốc Đại Lý bị người Mông Cổ chinh phục từ năm 1253 và từ 1276 trở thành tỉnh Vân Nam thuộc đế quốc Đại Nguyên dưới thời nhà Nguyên. Từ 1368, khi Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) đánh đuổi người Mông Cổ và dành lại quyền cai trị Trung Quốc thì Vân Nam là lãnh thổ cuối cùng của Trung Quốc được giải phóng trở về tay người Hán.

Do đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc, lịch sử – văn hóa của Vân Nam này thường bị đồng hóa với lịch sử Trung Quốc của người Hán, bao gồm cả lịch sử của trà, nhưng xét đúng thì người Hán của Trung Quốc không khai sinh ra trà. Nhưng không thể phủ nhận rằng người Hán đã có công tiếp nhận trà từ sớm và phát triển chúng trở thành một lĩnh vực văn hóa rực rỡ.

Hoạt động về trà đặc biệt sôi động ở khu vực Vân Nam kể từ thế kỷ thứ 6 – 7. Trà được các dân tộc miền núi làm ra, vận chuyển xuống đồng bằng để giao thương với người Tây Tạng, Miến Điện và người Hán (nhà Tùy – Đường), từ đó hình thành nên những tuyến đường vận tải trà gọi là tuyến đường trà ngựa (trà mã đạo). Từ Vân Nam, trà đã lan rộng ra khắp vùng Hoa Nam (vùng phía nam sông Dương Tử) rồi từ đó lan rộng lên vùng Hoa Bắc.

Khi Phật giáo Thiền tông được truyền từ Ấn Độ vào vùng phía nam, trà đã trở thành thức uống hữu dụng cho các nhà sư. Đến lượt mình, Phật giáo Nam Thiền Tông phát triển hưng thịnh vùng phía nam càng góp phần mở rộng và phát triển hoạt động uống trà. Người Hán ở Trung Nguyên có thể chưa thực sự uống trà ở giai đoạn trước thời nhà Đường, nhưng từ triều đại này trở đi, giới quý tộc và trí thức đã nhanh chóng hấp thu thói uống trà, cải biến cách uống và biến trà trở thành thức uống tao nhã thay cho rượu.

Các tỉnh lân cận với Nam Chiếu – Đại Lý của nhà Đường – Tống như Tứ Xuyên, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, vv. cũng nhanh chóng trở thành những vùng trồng trà lớn. Triều đình nhà Đường nhận thấy sức mạnh kinh tế của trà và bắt đầu đặt những luật lệ đầu tiên trong lịch sử về việc cống nạp, vận chuyển và kinh doanh trà, đặt tiền đề cho một nền văn hóa trà phát triển rực rỡ trong tổng thể nền văn hóa Trung Hoa cổ đại.

Bài viết nằm trong series “Thưởng Trà Du Ký” của tác giả Chi Nguyễn độc quyền dành cho Teacrop.

Nguyễn Calvin
16/03/2023 - 11:44